Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào Đà Nẵng. Với trang bị vũ khí hiện đại có sức công phá lớn, quân địch những tưởng sẽ “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thế nhưng, với “chân trần, chí thép”, nhân dân Đà Nẵng sát cánh cùng quan quân triều đình đã buộc liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha rút lui hoàn toàn sau 18 tháng 22 ngày chiếm đánh bất thành.
Thành Điện Hải sau những đợt oanh tạc bằng đại bác vào sáng 1-9-1858. (Ảnh tư liệu) |
Thắng lợi lớn và duy nhất
Với chiến thắng này, được coi là thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 đến 1884. Đáng nói, đây là quân xâm lược phương Tây đầu tiên, với trang bị súng ống, tàu chiến hiện đại, tư duy chiến thuật hoàn toàn mới mẻ với triều đình nhà Nguyễn, với quân và dân Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Trong kỷ yếu “Cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng (1858 - 1860)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện (NXB Đà Nẵng, 2019), PGS.TS Trương Công Huỳnh Kỳ trong bài tham luận “Vai trò của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860)” cho rằng, Đà Nẵng là nơi triều đình Huế giành được thắng lợi duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Đó là sức mạnh của dân tộc quyết tâm chống Pháp, tinh thần quyết chiến của vua Tự Đức, tướng lĩnh, quân sĩ. Nhưng vai trò một phần thuộc về những người chỉ huy và tham chiến trực tiếp mà vai trò quan trọng của họ thể hiện ở những thời điểm nhất định hoặc trong cả quá trình. Công lao ngăn chặn quân Pháp ở Đà Nẵng thuộc về nhiều cá nhân, nhưng ba người có vai trò lớn nhất, đã từng giữ trọng trách đứng đầu của tỉnh Quảng Nam là tổng chỉ huy mặt trận Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến ở những thời điểm khác nhau. Đó là Đào Trí (Thự Chưởng vệ Hữu dực doanh Vũ Lâm, quyền Tổng đốc Quảng Nam...), Lê Đình Lý (Hữu quân đô thống, Thống chế mặt trận Đà Nẵng) và Nguyễn Tri Phương (Tổng thống quân vụ đại thần).
Theo tác giả bài viết, để chuẩn bị xâm lược Việt Nam, ngày 30-8-1858, một hạm đội lính viễn chinh gồm liên quân Pháp - Tây Ban Nha được thành lập với 14 tàu chiến và 2.350 quân. Trong đó, có nhiều tàu chiến trang bị hiện đại như tàu Némésis, nơi đặt Bộ Chỉ huy hành quân, trang bị 50 khẩu đại bác có sức công phá lớn và gây sát thương cao. Toàn bộ đạo quân xâm lược này đặt dưới sự tổng chỉ huy của Phó Đô đốc Rigault De Genouilly, một người đã có kinh nghiệm chinh chiến ở nhiều chiến trường thuộc các châu lục khác nhau.
Mặt trận Đà Nẵng là nơi diễn ra cuộc đối kháng quyết liệt nhất giữa quân đội Pháp và quân đội triều đình trong thời gian 18 tháng 22 ngày, với sự huy động trực tiếp lớn nhất về quân đội tinh nhuệ tại kinh thành Huế và quy tụ hầu hết các tướng lĩnh giỏi nhất của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Họ là những người đã từng kinh qua trận mạc, thuộc hàng dũng tướng, được triều đình tin cậy, giao cho các trọng trách về quân sự tại triều đình cũng như tại các quân thứ ở địa phương.
Và “triều đình Huế tăng cường tối đa cho việc phòng thủ ở Đà Nẵng vào thời điểm mà triều đình Tự Đức đã phát huy được sức mạnh yêu nước và đoàn kết của nhân dân” (Đỗ Bang -Hệ thống phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn), chi viện mạnh mẽ, siết chặt quân pháp, tiến hành kỷ luật và khen thưởng kịp thời cho mặt trận Đà Nẵng, đặt dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Đào Trí, Thống chế Lê Đình Lý, đặc biệt là Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương, một danh tướng tài, đức vẹn toàn.
Chân trần, chí thép
Theo tác giả Trương Công Huỳnh Kỳ, cuộc kháng chiến diễn ra trên mảnh đất cũng đầy những khó khăn về địa hình, nơi có trung tâm đề kháng mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ ven biển miền Trung. Đây là địa bàn chiến lược cận kề, cực kỳ quan trọng bậc nhất đối với sự sinh tồn của kinh đô Huế. Trong lịch sử, mảnh đất này từng là địa bàn chiến lược hàng đầu (dinh trấn Quảng Nam) trong cuộc mở cõi về phương Nam. Đất Quảng Nam có nhiều nhân tài, người dân xứ Quảng yêu nước, nghĩa tình nhưng cứng cỏi, mạnh bạo và có truyền thống cách tân, tiếp biến trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Tinh thần xả thân chiến đấu quyết liệt của quân đội triều đình cùng sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến đấu cũng như trong xây dựng chiến lũy, thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống”... là những yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên thắng lợi.
Trong tham luận “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đà Nẵng (1858 - 1860) qua một số tư liệu châu bản triều Nguyễn” (in trong kỷ yếu kể trên), TS. Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa, cho biết, Châu bản ngày 10-2 năm Tự Đức thứ 13 (1860), tờ 82, cho thấy quân thứ Quảng Nam dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã liên tục tấn công, quấy rối đối phương: “Phụng chỉ chúng thần đốc sức quan binh, phân phái biền binh thám sát tình hình bọn giặc và chia nhau bắn phá quấy rối”.
Trong tập thư của sĩ quan hải quân Michel, thuộc chiến hạm Némésis trong cuộc viễn chinh Nam kỳ và Trung Hoa gửi ngài Ginchon De Grandpont -Tổng ủy viên Bộ Hải quân Pháp (Thạc sĩ Cù Thị Dung dịch) in trong tập kỷ yếu kể trên, ở chương 7 - chuyển quân khỏi Đà Nẵng, có đoạn ghi: “Ngày 17-3-1860: Vào lúc nửa đêm, tiền đồn tại ngôi chùa và các tiền đồn khác tại Sơn Trà bị tấn công và bao vây bởi quân An Nam được trang bị bằng giáo mác.
Sau trận sáp lá cà, chúng tôi đã đẩy lui được họ: 2 lính thủy đánh bộ bị thương vì bị giáo đâm. Ta củng cố lại đồn, 2 giờ sau, chúng tôi lại bị tấn công với số lính tham gia đông hơn. Một vài phát đạn súng cạc bin và kèn thổi, họ đã rút lui. Đây là lần đầu, quân An Nam dám tấn công đến tận các tiền đồn của chúng tôi ở Sơn Trà, còn trước nay họ chỉ tấn công dọc bờ sông Hàn”...
Vọng mãi non sông
Năm 2023, tròn 165 năm kể từ ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023). Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, rõ ràng, khi nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cho rằng đây là một mục tiêu dễ dàng, vì thế họ chọn phương châm chiến tranh là “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Tuy nhiên, thực tế ngược lại hoàn toàn với những suy đoán của đội quân xâm lược. Dưới sự chiến đấu kiên cường của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn, cùng với sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đội quân Tây phương đã bị sa lầy trong cuộc chiến này sau 18 tháng 22 ngày và phải rút quân trong thất bại.
Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: TRỌNG HUY |
Ông Thiện cho biết, nhằm đổi mới cách tiếp cận lịch sử và di sản văn hóa dân tộc cho giới trẻ bằng hình thức mới, vui tươi và hấp dẫn, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi tìm hiểu về kiến thức lịch sử giai đoạn buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp 1858-1860 với chủ đề “Chân trần, chí thép” thông qua hình thức team building.
Cùng với đó, còn có các hoạt động, như tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860)” diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng vào ngày 30-8; triển lãm ảnh “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha - Di sản còn lại với thời gian” diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang từ ngày 31-8 đến ngày 6-9. Trước đó, ngày 22-9, chương trình “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Khát vọng non sông: Danh tướng Nguyễn Tri Phương” đã diễn ra tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, hiện nay di sản từ cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp -Tây Ban Nha (1858 -1860) tại Đà Nẵng, vẫn còn lại một số dấu ấn mang nhiều giá trị, minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu và sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Đà Nẵng, cũng như tính nhân văn của người Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung.
Đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, biểu tượng lòng yêu nước của người Đà Nẵng. Hay di tích Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, Nghĩa trủng Phước Ninh và Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Hóa Ổ (Nam Ô); hay Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (hay còn gọi nghĩa địa Y-Pha-Nho).
TRỌNG HUY