Năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp, pháp luật đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Báo tin tức |
Sáng 12-9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết: Năm 2023, với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức kiểm toán viên, đến 31-8-2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán (KHKT), triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 94 dự thảo BCKT, phát hành 61 báo cáo kiểm toán. Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; KHKT, BCKT được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.
Theo Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ, tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 61 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đặc biệt được Tổng KTNN quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định. Bên cạnh việc trình bày BCKT quyết toán ngân sách năm 2021 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, gửi các báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.
Thực hiện Nghị quyết 53/2022/QH15 ngày 15-6-2022 của Quốc hội khóa XV về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, KTNN đã tổ chức công khai BCKT theo quy định; đồng thời, tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành…
Làm ít nhưng chất lượng
Tại phiên họp, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho rằng, với phương châm “làm ít nhưng chất”, nên số nhiệm vụ năm 2024 không tăng so với năm 2023. Trong đó, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày các báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Báo Tin tức |
Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho rằng: “Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả…”.
Thẩm tra báo cáo của KTNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 (52.095 tỷ đồng) và 48,7% cùng kỳ năm 2022 (22.036 tỷ đồng).
Cơ quan thẩm tra đề nghị KTNN đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này; tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán.
Năm 2024, KTNN tập trung ưu tiên kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, địa phương; chuyên đề phục vụ tốt yêu cầu giám sát; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia…
Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự kiến của KTNN. Trong đó sẽ kiểm toán 10 bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán 34 bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán tại 61 địa phương. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị KTNN tiếp tục rà soát tăng số lượng các địa phương được kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, để sớm đạt tỷ lệ 100% như mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đã đề ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày các báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Báo Tin tức |
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, KTNN đã tham gia tích cực vào chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. “Số liệu KTNN chúng tôi sử dụng rất tốt, vì đó là nhưng số liệu đáng tin cậy. Càng ngày ktnn càng thể hiện tốt vai trò của mình”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá.
Về kết quả thực hiện kiến nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ hơn, chi tiết hơn bộ, ngành nào, địa phương nào chưa thực hiện để quy trách nhiệm rõ.
“183 báo cáo chỉ có 33 báo cáo kiến kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện, chỉ đạt 18%, vậy còn 72% nữa ở đâu? Ai làm, ai đôn đốc, trách nhiệm của KTNN, Chính phủ ra sao, cần phải làm rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, nhấn mạnh: Các kiến nghị của KTNN phải được thi hành, nếu không thực hiện, như thế là không thực hiện luật, nên cần phải làm rõ trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, số kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng là vấn đề được cử tri quan tâm, nên phải làm rõ trong số đó cái gì là sai phạm, cái gì là thất thoát, cái gì chỉ là điều chỉnh số liệu.
Lãnh đạo Quốc hội cũng khuyến khích phương châm “làm ít nhưng chất”, kiểm toán phải có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh công khai minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, KTNN chủ yếu mới đăng tải trên cổng thông tin của KTNN nên ít có người đọc, điều quan trọng phải tổ chức họp báo.
Việc công khai kết luận kiểm toán có tính hai mặt: Một mặt là tăng cường sức mạnh của hoạt động kiểm toán; mặt khác cũng để dư luận xã hội giám sát kiểm toán, như vậy sẽ rất tốt. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nhận định, KTNN “có vẻ ngày càng giảm nhiệt đi”.
“Bao giờ cho đến ngày xưa? Thời chúng tôi, các cơ quan bao chí thường xuyên có mặt tại KTNN, mỗi lần chuẩn bị họp báo là toát mồ môi”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, đồng thời lưu ý, nhiều khi cán bộ không sợ xử lý kỷ luật, nhưng lại sợ dư luận, nên “mong không được ông bố”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị xử lý sai phạm phải nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Cần đánh giá tác động của việc sai này, từ đó đề xuất xử lý nghiêm. Đáng lưu ý, Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu về việc thanh tra, kiểm tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ. Vậy KTNN có chuyên đề riêng về việc này được không? Chương trình mục tiêu quốc gia vì sao vẫn cứ chậm?... Hay vấn đề điện lực, thiếu điện, thì câu chuyện về năng lực về điện, về giá điện thế nào? “Cần đi vào những câu hỏi đang rất thời sự như vậy”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị lưu ý kiểm toán lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những lĩnh vực được quan tâm, cần cân nhắc đưa vào kế hoạch kiểm toán.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Báo Tin tức |
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp thanh tra, kiểm toán hợp lý nhất, tránh chồng chéo; đồng thời kết nối chia sẻ thông tin theo hướng chuyển đổi số; và thúc đẩy thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng kiến nghị lựa chọn đối tượng được kiểm toán đang có sự ảnh hưởng lớn, các dự án đang tồn đọng, cơ sở hạ tầng, đồng thời có sự chia sẻ khó khăn với đơn vị kiểm toán, vì thực tế có tình trạng như doanh nghiệp phá sản, đã chết nên không thể khắc phục được.
Kiểm toán nhà nước cho biết, đến 31-8-2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. |
Theo Báo Tin tức