Ông Nguyễn Giám ghi trong hồi ức: “Khoảng tháng 6-1940, đồng chí Nguyễn Sắc Kim đến gặp tôi trao đổi tình hình, bàn công tác và báo cho tôi biết Tỉnh ủy Quảng Nam đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ và tiếp nhận chủ trương mới của Đảng. Vì vậy, điều cấp bách của chúng ta lúc này là gấp rút chuẩn bị cho hội nghị quan trọng của Đảng, có đại biểu cấp trên về dự. Tôi nhận nhiệm vụ của đồng chí Kim giao đi tìm địa điểm, đi liên lạc, tiếp tế và bảo vệ hội nghị.
Bia di tích nơi Tỉnh ủy Quảng Nam tiến hành hội nghị bàn kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). (Ảnh tư liệu) |
Lần gặp lại đồng chí Kim, tôi báo cáo Chùa Hang sẽ được chọn làm địa điểm, đề nghị anh có ý kiến quyết định... Buổi tối hôm đó, tất cả đại biểu cơm nước xong, anh Kim thầm thì hỏi chuyện các anh em rồi xếp vị trí nghỉ ngơi cho từng đồng chí. Còn tôi, chạng vạng vừa lo tuần tra, vừa lo cảnh giới bảo vệ, vừa chuẩn bị cơm nước đủ dùng cả ngày cho hội nghị’’.
Địch đánh phá gắt gao, sau một năm mất liên lạc với Xứ ủy, khoảng tháng 8-1940, ông Võ Toàn đi công tác ở Duy Xuyên bất ngờ gặp ông Hồ Tỵ tại nhà một cơ sở. Hồ Tỵ cho biết, ông là phái viên của Xứ ủy vào tăng cường và truyền đạt tinh thần hội nghị lần thứ 6 của Trung ương. Vào cuối tháng 10-1940, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị mở rộng lần thứ 2 tại Chùa Hang. Chùa Hang là một hang đá lớn, dưới ngọn núi Hòn Bà, thuộc làng Tịch Tây, nằm ranh giới giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Về dự hội nghị có đại biểu 8 phủ, huyện. Hội nghị quyết định ra tờ báo ‘‘Khởi Nghĩa’’. Địa điểm ra báo tại nhà ông Ngô Thành, làng Vĩnh Đại (Tam Hiệp). Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức gồm: Hồ Tỵ (Định), Võ Toàn ( Xuân), Huỳnh Cự (Hạ), Trương An (Thu), Nguyễn Sắc Kim (Đông). Ông Hồ Tỵ làm Bí thư.
Sau hội nghị Chùa Hang, địch phát hiện bủa vây khắp vùng An Tân, truy lùng cán bộ Tỉnh ủy. Năm 1941, Trần Văn Quế và Nguyễn Giám bị đày ở Buôn Ma Thuột. Ngày 20-3-1944, trên đường bị đưa ra an trí ở Phú Bài, hai người bàn nhau nhảy tàu. Vừa tối, tàu chạy đến khu vực đèo Thủy Thạch - Đức Phổ - Quảng Ngãi, còn xa mới đến Dốc Sỏi - giáp ranh với Quảng Nam, thấy có cơ hội tốt, hai anh em hè nhau nhảy tàu. Trước khi quyết định nhảy tàu, hai người bàn lấy tên mới: Quế là Sáng, Giám là Chế. Khi nhảy ra khỏi tàu, cắm đầu chạy vào rừng nên bị lạc nhau. Sau 10 ngày, Sáng và Chế gặp lại gần Dốc Sỏi vào lúc mờ tối. Sau khi về đến Hòa Vân - Tịch Tây, họ vào nhà ông xã Khiết. Ông xã Khiết là người do các tiền bối Nguyễn Sắc Kim và Võ Toàn cài ra làm Lý trưởng - người từng liên lạc với ông Nguyễn Giám. Qua cơ sở này, ban đêm hai người tìm đến nhà chị Bốn Phiên, có tên là Lan người Đồng Cọ. Ở nhà gọi là Bốn, khi là cơ sở của ông Nguyễn Giám, có bí danh là Hằng. Lần theo giới thiệu của ông Nguyễn Sắc Kim và ông Võ Toàn từ trong nhà tù, hai ông đã gặp Bảy Phe - thợ mộc Kim Bồng, tức Nguyễn Văn Ưng...
Nguyễn Văn Ưng ghi trong hồi ức của mình: “Tôi ở tù trong Nha Trang về Hội An giữa năm 1942, được bổ sung vào Thị ủy Hội An. Tháng 4-1944, một hội nghị được tổ chức tại chùa Kim Bồng - Hội An, quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam gồm ba đồng chí là Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Văn Ưng, phân công đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư, cơ quan đặt tại Diêm Trường (Tam Giang) và một bộ phận ở Kim Bồng (Hội An)”.
Tháng 2-1945, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại Vân Trai, Tam Kỳ. Sau hội nghị, Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế ra Duy Xuyên lên vùng Trà Kiệu. Sau đó, hai ông vào Quế Sơn. Trần Văn Quế ghi trong hồi ức: ‘‘Chúng tôi đội lót đóng vai hai cha con đi ăn giỗ, anh Chế bệ vệ trong bộ áo quần dài đen, tôi thì mặc bộ đồ bà ba cộc xách tráp quả và chai rượu đi xuống Dưỡng Mông vào nhà bác Cửu Sang bàn bạc và giao nhiệm vụ cho ông và chú em của ông (chú Phong) xây dựng cơ sở vùng Bà Rén. Ở đó được hai hôm, vợ chồng Cửu Sang xem chúng tôi như hai ông khách ở Huế vào chơi. Sắp đặt công việc ở Dưỡng Mông xong, tôi bàn với anh Chế ở lại, còn tôi ra cầu Chợ Củi trên sông Thu Bồn, theo đò về lại Hội An và tiếp tục vào An Tân, Tam Kỳ”.
Tháng 6-1945, Tỉnh ủy họp mở rộng tại nhà ông Nguyễn Kế, làng Vân Trai, nay thuộc xã Tam Hiệp, Núi Thành. Tháng 8-1945, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ưng Tòng (Ưng Bá Tòng, thôn Khương Mỹ, nay là thôn Bích Sơn xã Tam Xuân, Núi Thành). Họp hai ngày 12 và 13-8-1945, bàn việc chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang diễn ra thì chiều ngày 13-8-1945, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từ Đà Nẵng vào cấp báo: ‘‘Nhật hoàng đã đầu hàng đồng minh.’’
Tức thì, đêm 13-8, cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Nguyễn Đình Chiến, thôn Khương Mỹ). Họp suốt đêm 13, sáng ngày 14-8-1945, ra quyết định thành lập Ủy ban Bạo động giành chính quyền, gồm 17 thành viên, trong đó, 15 Tỉnh ủy viên làm nòng cốt là Trần Văn Quế, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thúy, Nguyễn Văn Ưng, Huỳnh Đắc Hương, Huỳnh Ngọc Huệ, Phan Bá, Chu Huy Mân, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Quang Chung, Phan Tốn, Hồ Tên, Phan Quang Trọng, Phan Thị Nễ, Phan Thêm và 2 Ủy viên Cứu quốc là Võ Toàn và Nguyễn Xuân Nhĩ. 5 Ủy viên Thường trực: Trần Văn Quế, Nguyễn Thúy, Lê Thanh Hải, Võ Toàn, Nguyễn Xuân Nhĩ.
Lê Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực, Ủy ban vận động khởi nghĩa tỉnh, nói: Tháng 3-1945, tôi thoát tù về được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 4-1945, cơ quan Tỉnh ủy chuyển từ Tam Kỳ ra Bà Rén - Quế Sơn. Đồng chí Trần Văn Quế, Bí thư lâm thời Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc tại đây. Tối 14-8-1945, cơ quan Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ban Bạo động tỉnh ở đình Dưỡng Mông gần nhà Nguyễn Sang, chuyển ra nhà ông Nguyễn Xuân Vân - Tú Vân, ở làng Bích Trâm, xã Điện Hòa, Điện Bàn.
Ban đêm, Nguyễn Văn Ưng, Trưởng ban Bạo động Hội An, chạy lên Bích Trâm gặp Thường trực Tỉnh ủy báo cáo tình hình ở Hội An và xin cho Hội An khởi nghĩa sớm. Thường trực đồng ý cho Hội An chớp thời cơ làm trước. 10 giờ đêm 17-8-1945, ký lệnh khởi nghĩa. Nguyễn Văn Ưng rời Bích Trâm lúc 3 giờ sáng chạy bộ đến Hội An đúng 6 giờ sáng. Nửa đêm hôm qua đã chuẩn bị lực lượng, thành lập các tiểu đội, trung đội tự vệ trang bị gậy gộc, dao mác... làm nòng cốt. 12 giờ đêm, được tin cơ sở Binh vận Hội An báo Tỉnh trưởng Quảng Nam Tôn Thất Giáng đã nhận được tối hậu thư của Ủy ban Bạo động Việt Minh do Trần Đình Tri gửi ngay chiều ngày 17-8, buộc phải đầu hàng, và Tôn Thất Giáng đã ra lệnh cho binh lính đồn Bảo an khóa cửa kho súng.
Quần chúng Kim Bồng, Thanh Hà... kéo sang nhập với dân nội thị tạo nên khí thế bừng bừng. Phá kho súng, tự vệ lấy được 125 khẩu súng... 3 giờ sáng, khi tự vệ cùng hàng ngàn quần chúng ầm ầm bao vây Tòa Khâm sứ Pháp, khu vực Tỉnh đường, cả bốt cảnh sát, kho bạc, bệnh viện... Tức thì, Ban Khởi nghĩa tuyên bố: Chính quyền đã về tay nhân dân! Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, phất phới bay trên trụ cờ của Tòa Khâm sứ Pháp. Tôn Thất Giáng đọc lời tuyên bố đầu hàng Việt Minh.
Ông Võ Toàn được Thường trực bổ sung xuống giúp Hội An, ghi trong hồi ký: Sau khi cướp được chính quyền ở Hội An, tôi lấy 70 anh em tự vệ có vũ khí đầy đủ, huy động 7 ô-tô chuyển tiền bạc và tài liệu lên Duy Xuyên để sẵn sàng đưa lên căn cứ theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy...
9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa thị chính), UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. (Ảnh tư liệu) |
Từ ngày 1-9-1945, đồng bào các phủ huyện thị trong toàn tỉnh được huy động tập trung về Hội An, chuẩn bị tham dự ‘‘Lễ mừng độc lập’’. Ngày 2-9-1945, hơn 10 vạn người chia thành từng đoàn biểu tình rất trật tự, mang theo cờ, băng, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ tịch, có lực lượng tự vệ vũ trang đi đầu tiến vào sân vận động Hội An chứng kiến một sự kiện trọng đại: Ngày tuyên bố độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một lễ đài được dựng lên trên nền đất trống phủ cỏ xanh, có nền phông trắng, trên cao là khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, dưới là cờ đỏ sao vàng trang nghiêm. Ông Hai Lạc - Chu Huy Mân, Trưởng ban tổ chức buổi lễ, trịnh trọng giới thiệu mấy lời trước đồng bào, mời ông Nguyễn Xuân Nhĩ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh đọc diễn văn...
Ngay ngày đầu giành chính quyền gần hết các huyện, chỉ còn Hòa Vang và Đà Nẵng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách khởi nghĩa Đà Nẵng. Tối 16-8-1945, Thành bộ Việt Minh thành Thái Phiên họp, bầu ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố gồm các đồng chí: Lê Văn Hiến - Chủ tịch, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Trác, Lê Văn Qúy, Nguyễn Thị Phi và một số đồng chí phụ trách các ngành.
Tối 25-8-1945, đồng chí Lê Văn Hiến, từ Quảng Ngãi - sau khi giải quyết các cuộc đụng độ của du kích Ba Tơ với lính Nhật, dàn xếp để cho lính Nhật về nước an toàn, vừa về đến Đà Nẵng, Ủy ban khởi nghĩa thành phố đang họp, ông liền quyết định phát lệnh khởi nghĩa toàn thành phố vào sáng ngày 26-8-1945.
Đúng 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, khi tiếng còi của thành phố vang lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định đồng loạt nổi dậy giành chính quyền... Một cuộc mít-tinh lớn tổ chức trước Tòa thị chính, đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng thành Thái Phiên tuyên bố chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân... Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tòa thị chính Đà Nẵng...
Sáng 28-8-1945, một cuộc mít-tinh lớn ở sân vận động Chi Lăng mừng thắng lợi. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành Thái Phiên do Lê Văn Hiến làm Chủ tịch ra mắt nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngày 2-9-1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam: Nguyễn Xuân Nhĩ - Chủ tịch, Nguyễn Thúy - Phó Chủ tịch...
HỒ DUY LỆ