Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng tại Đà Nẵng thông qua việc đánh giá theo bộ chỉ số

.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Quan điểm này thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Bên cạnh đó, các chủ trương và giải pháp căn bản, quyết liệt về PCTNTC như: triển khai đồng bộ, đầy đủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật; thực hiện quyết liệt nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTNTC… được các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Thanh tra thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố ký kết Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phòng, chống tham nhũng. Ảnh:PV
Thanh tra thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố ký kết Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PV

Để công tác PCTNTC đạt hiệu quả, việc đánh giá thực trạng công tác PCTNTC có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, trên phạm vi toàn quốc, từ năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đánh giá, xếp hạng công tác PCTNTC đối với UBND cấp tỉnh thông qua bộ chỉ số. Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, năm 2022, Thanh tra thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTNTC định kỳ hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố kèm theo Quyết định 1159/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 của Chủ tịch UBND thành phố.

Việc đánh giá công tác PCTNTC định kỳ hằng năm theo bộ chỉ số giúp UBND thành phố cũng như các cơ quan tham mưu có cái nhìn tổng thể, khách quan, chính xác về kết quả triển khai thực hiện các nội dung trong công tác PCTNTC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố. Qua đó, động viên, khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt, đầy đủ các quy định cũng như kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác này, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTNTC của thành phố. Phạm vi đánh giá là công tác PCTNTC hằng năm thuộc trách nhiệm của cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn: đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTNTC; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện.

Kết quả đánh giá công tác PCTNTC tại các cơ quan, địa phương, đơn vị qua năm đầu tiên thể hiện cụ thể: Về ưu điểm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện quản lý Nhà nước về PCTNTC, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nhận thức, trách nhiệm về công tác PCTNTC của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị ngày càng được nâng lên, thể hiện qua sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ở các khâu xây dựng kế hoạch công tác PCTNTC hằng năm, thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, chuyển đổi vị trí công tác; việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập,…

Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch PCTNTC hằng năm; chú trọng nhiều hơn trong việc biên soạn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC. Song song với việc triển khai đầy đủ các giải pháp phòng ngừa thì việc xử lý tham nhũng cũng có những chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp công chức, viên chức, người lao động có hành vi không chuẩn mực, vi phạm pháp luật về PCTNTC.

Về tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian đến: Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTNTC của một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời theo quy định. Người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân. Việc ban hành văn bản triển khai các nội dung liên quan đến công tác PCTNTC  theo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC và UBND thành phố tại một số nơi đôi lúc còn chậm trễ, chưa sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể. Trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa công khai, minh bạch đầy đủ các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 10, Luật PCTN; chưa chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại cơ quan, địa phương, đơn vị.  Việc phát hiện tham nhũng cũng là một hạn chế trong công tác PCTNTC của địa phương, đặc biệt là việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra. Các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra chiếm tỷ lệ còn thấp trong số các vụ án, vụ việc tham nhũng phát hiện trên địa bàn. Việc xử lý tham nhũng đôi lúc còn chưa đồng bộ.

Trên cơ sở kết quả đánh giá công tác PCTNTC của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, Thanh tra thành phố đã kiến nghị cụ thể đối với từng cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như đề xuất UBND thành phố các biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác PCTNTC trên địa bàn thành phố. Một trong những nội dung đề xuất là sử dụng kết quả đánh giá về công tác PCTNTC các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện theo bộ chỉ số là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đánh giá kết quả thi đua của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện hằng năm.

Có thể khẳng định chủ trương đánh giá công tác PCTNTC theo bộ chỉ số hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, là một trong những công cụ hữu hiệu để thành phố có cơ sở, điều kiện nhằm đánh giá tổng thể, chính xác về kết quả triển khai công tác PCTNTC của các cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong thời gian đến, Thanh tra thành phố tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC; UBND thành phố hoàn thiện bộ chỉ số để lãnh đạo, triển khai việc đánh giá ngày càng thực chất, toàn diện và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTNTC trên địa bàn thành phố.

PHAN THANH LONG
Chánh Thanh tra thành phố

;
;
.
.
.
.
.