Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Việc thực hiện các chính sách thu hút, tạo nguồn, phát triển nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng thời gian qua được triển khai một cách bài bản, với cách làm mới, sáng tạo và có tầm nhìn dài hạn, bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Công tác thu hút người có năng lực chuyên môn giỏi trên các lĩnh vực được thành phố luôn chú trọng thực hiện trong những năm qua.  Trong ảnh: Cán bộ các sở, ngành làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Công tác thu hút người có năng lực chuyên môn giỏi trên các lĩnh vực được thành phố luôn chú trọng thực hiện trong những năm qua. TRONG ẢNH: Cán bộ các sở, ngành làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY

Bài 1: Trọng dụng người tài

Ngay sau khi chia tách đơn vị hành chính (1997), thành phố đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua thu hút, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả đạt được rất quan trọng, giúp quá trình xây dựng, kiến thiết và phát triển thành phố đạt được những thành tựu lớn.

Nhiều chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực

Theo Sở Nội vụ, từ cuối năm 1997, Thành ủy ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Để tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tháng 1-1998, UBND thành phố ban hành chủ trương, chính sách tiếp nhận, bố trí công tác đối với những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá chưa có việc làm. Từ năm 1998 cho đến nay, theo từng giai đoạn, thành phố đã có những điều chỉnh đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, ngành nghề thu hút cho phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm cho từng đối tượng thu hút.

Tháng 6-2010, UBND thành phố ban hành quyết định quy định về việc tiếp nhận, bố trí công tác và chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố. Với quy định này, thành phố hướng đến việc tuyển chọn, sàng lọc một số ngành nghề có nhu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp nhận chặt chẽ hơn.

Năm 2015, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Năm 2017, hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XXI) đã bàn chuyên đề “Đánh giá hiệu quả các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang triển khai, định hướng công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” và đã ban hành Kết luận số 88-KL/TU ngày 13-1-2017.

Tháng 3-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1525/QĐ-UBND phê duyệt chuyên đề, trong đó khẳng định, việc tiếp tục triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách có hiệu quả trong thời gian đến là hết sức cần thiết để tiếp tục bổ sung, nâng cao nguồn nhân lực cho khu vực công thành phố.

Trên cơ sở các quyết định, kết luận của Thành ủy, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 về Quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng. Năm 2019, UBND thành phố ban hành quyết định quy định thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố.

Theo đó tiếp tục triển khai công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (thu hút theo vị trí việc làm thay vì danh mục ngành nghề như trước đây) với các hình thức thu hút nhân lực đến làm việc lâu dài và thu hút nhân lực đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng.

Cùng với chính sách thu hút nhân lực, từ năm 2004 thành phố triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cấp học bổng bậc đại học, sau đại học trong và ngoài nước cho các học sinh THPT xuất sắc và học bổng sau đại học tại nước ngoài cho các CBCCVC thuộc thành phố Đà Nẵng.

Những con số biết nói

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, chính sách thu hút nhân lực được thành phố triển khai từ năm 1998 với việc đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố. Qua quá trình thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể, chính sách thu hút đã được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển của thành phố.

Công chức phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) làm việc tại bộ phận “Một cửa”. Ảnh: TRỌNG HUY
Công chức phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) làm việc tại bộ phận “Một cửa”. Ảnh: TRỌNG HUY

Các hoạt động phát triển nguồn nhân lực khu vực công được triển khai trong nhiều năm qua bao gồm chính sách thu hút, tuyển dụng, bố trí cán bộ có trình độ cao, sinh viên giỏi vào làm việc (thực hiện từ năm 1998), đã thu hút 1.270 người, trong đó có 25 tiến sĩ, 283 thạc sĩ và 962 người có trình độ đại học. Đào tạo, phát triển nhân lực theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (năm 2004), thành phố đã cử 613 người (650 lượt) đi học theo chính sách, trong đó 155 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú, 338 học viên bậc đại học, 120 học viên bậc sau đại học (gồm 98 thạc sĩ, 22 tiến sĩ).

Thành phố thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ CBCCVC. Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã tổ chức 492 lớp bồi dưỡng phù hợp vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức và yêu cầu của địa phương; cử 85 công chức, viên chức đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài.

Ông Võ Ngọc Đồng đánh giá, các chính sách nói trên trước hết đã bổ sung kịp thời nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn, bảo đảm về số lượng và chất lượng cho sự nghiệp phát triển thành phố. Kết quả mang lại góp phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC thành phố, hỗ trợ tích cực cho công tác của các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, sử dụng; góp phần cải thiện môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ đối với các đối tượng thu hút, học viên đề án khiến việc làm trong khu vực công trở nên hấp dẫn hơn trước. Hầu hết đối tượng thu hút và học viên đề án đã phát huy tốt trình độ, năng lực bản thân, hoàn thành tốt công việc được giao và được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao. Nhiều người được tín nhiệm, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có hơn 30 người giữ chức vụ phó giám đốc sở trở lên.

Trong số 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên được thành phố tiếp nhận và bố trí công tác, nhóm ngành xã hội có 329 người (chiếm 25,9%), y tế 220 người (17,3%), giáo dục 201 người (15,8%), nhóm ngành khoa học công nghệ và xây dựng 130 người (10,2%), ngành luật - hành chính và quản lý 95 người (7,5%), ngành kế toán - tài chính 117 người (9,2%), ngành công nghệ thông tin và viễn thông 30 người (2,4%) và các ngành còn lại 147 người (11,82%). Trong số này, có 591 người, chiếm 46,57%, được bố trí tại cơ quan hành chính, trong đó các sở, ban, ngành thành phố 387 người, chiếm 30,5%; tại quận, huyện 76 người, chiếm 6%; tại phường, xã 128 người, chiếm 10,1%. Còn lại 678 người, chiếm 53,43%, được bố trí tại các đơn vị sự nghiệp.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.