Từ thực tế công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố cho thấy, cùng với những kết quả đạt được vẫn còn những vấn đề cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh để chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Anh Lê Hoàng Phúc giới thiệu môi trường đầu tư Đà Nẵng cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nhiều thách thức trong khu vực công
Thành phố đã chứng kiến nhiều học viên đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bỏ việc, nghỉ việc, vi phạm hợp đồng, dẫn đến câu chuyện “đòi nợ nhân tài” như báo chí, truyền thông đã thông tin. Dù lãnh đạo thành phố từng tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học viên đề án, qua đó phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nhưng tình trạng học viên đề án chờ hoàn thành hợp đồng để nghỉ việc, nhảy việc vẫn còn, như một lẽ tất yếu của sự vận động xã hội.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học viên không thực hiện đúng cam kết. Có người vì lý do sức khỏe, đoàn tụ gia đình, các cơ hội phát triển bản thân như đi học cao hơn, nhiều học viên xin thôi việc vì “sức hút” từ khu vực tư hay môi trường làm việc tại nước ngoài. Đây là xu hướng của người lao động trong tìm kiếm những nơi có môi trường làm việc, có những chính sách đãi ngộ phù hợp với nhu cầu bản thân để “đầu quân”.
Bên cạnh đó, điều kiện và môi trường làm việc đối với một số ngành còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nên một số học viên chưa phát huy được kiến thức chuyên môn đã được đào tạo (như các trung tâm thí nghiệm, phòng nghiên cứu đặc thù). Chế độ đãi ngộ được thành phố quan tâm, chính sách đã được điều chỉnh theo từng giai đoạn nhưng bị ràng buộc theo quy định của pháp luật nên chưa đủ “lực hút” đối với học viên. Tiền lương thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống, trong khi lĩnh vực tư nhân chế độ tiền lương hấp dẫn. Những vấn đề trên đặt ra thách thức không nhỏ cho khu vực công trong việc giữ chân nhân tài.
Nỗ lực cống hiến
Trong khi đó, nhiều học viên sau khi được tiếp nhận bố trí, được thành phố tạo điều kiện đã phát huy được năng lực, sở trường, có nhiều nỗ lực cống hiến cho thành phố.
Anh Trần Đại Lâm, hiện là chuyên viên Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND thành phố, tham gia đề án từ 2006. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lâm được bố trí về Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Dù không được đáp ứng nguyện vọng ban đầu, nhưng với Lâm, 9 năm công tác ở Viện là khoảng thời gian quý báu để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà không thể cơ quan nào có được.
“Quãng thời gian ở viện đã đào tạo cho em những kỹ năng rất hữu ích mà không một trường lớp nào đào tạo được. Đó là kỹ năng về nghiên cứu, tổng hợp, điều tra, khảo sát, xử lý số liệu… Kinh nghiệm này hỗ trợ rất tốt cho em trong quá trình công tác hiện nay và sau này, dù bất kỳ ở vị trí, nhiệm vụ công tác nào”, Lâm chia sẻ.
Từ năm 2019, anh Lâm được chuyển về Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND thành phố, đúng theo nguyện vọng ban đầu. Môi trường làm việc và tính chất công việc hiện nay phù hợp năng lực, sở trường công tác của Lâm. Theo anh Lâm, dù ở vị trí công tác nào, được phân công về đâu, với năng lực, tư duy của những người tham gia đề án, tin chắc đều sẽ làm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dĩ nhiên, nếu được phân công đúng ngành theo nguyện vọng, năng lực, sở trường ban đầu sẽ bớt được quá trình thời gian “học nghề”, thay vào đó sẽ thỏa sức vẫy vùng với đam mê, nhiệt huyết và năng lực, sở trường của mình, phát huy thế mạnh bản thân để làm việc, cống hiến cho thành phố.
“Với em, được thành phố tiếp nhận tham gia đề án là một niềm vinh dự, tự hào và may mắn với bản thân. Em rất biết ơn vì điều đó. Ngay từ lúc ra trường, dù các nguyện vọng ban đầu không được thỏa mãn, song chưa hề có suy nghĩ sẽ nghỉ việc hay “thay lòng đổi dạ”. Ngược lại, em luôn xác định phải cố gắng làm việc, cống hiến cho thành phố để đáp lại ân tình mà thành phố dành cho mình, gia đình mình, nhất là lúc còn khó khăn ban đầu”, Lâm kể.
Anh Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, từng là học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cho biết trong quá trình làm việc, cá nhân và các học viên đều phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến, cải tiến trong công việc. Phúc được lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để tự tìm kiếm thêm học bổng đào tạo thạc sĩ hành chính công và kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, từ đó hoàn thiện thêm kiến thức và kỹ năng đáp ứng được các yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo anh Phúc, về mặt khoa học quản lý, trong triển khai mỗi đề án, dự án đều luôn có hai mặt thành công và hạn chế nhất định, luôn có những rủi ro và tác động ngoại vi khó kiểm soát. Với đề án liên quan tính con người với tất cả sự phức tạp vốn có, thành phố cần thường xuyên rà soát, đánh giá để có những điều chỉnh, triển khai phù hợp với từng hoàn cảnh. Anh Phúc cho rằng, để đề án hiệu quả thì nó phải xuất phát từ chính bản thân mỗi học viên và từ cơ quan quản lý, sử dụng học viên.
Đối với học viên, bên cạnh năng lực học tập, thái độ nhiệt huyết với công việc cũng rất cần nhấn mạnh. Cần có một sự hướng dẫn, định hướng rõ ràng về mặt đạo đức, trách nhiệm, truyền lửa cho các học viên đề án trước, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và khi phân công công việc đối với họ. Đối với người lãnh đạo đơn vị nơi học viên được bố trí công tác, vai trò “dụng nhân như dụng mộc”, nghệ thuật lãnh đạo, truyền lửa cũng đóng vai trò quyết định đối với hiệu quả đề án.
TRỌNG HUY