Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt quá trình phát triển của thành phố. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững” là nhiệm vụ đầu tiên trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Anh Trần Đại Lâm nhận danh hiệu Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ 9 năm 2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bố trí đúng sở trường, chuyên môn đào tạo sẽ phát huy hiệu quả
Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc cho rằng, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu và xây dựng một tầm nhìn định hướng dài hạn giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu trước mắt, trung hạn và dài hạn của thành phố. Nếu như học viên được phân công đi học và bố trí đúng sở trường, chuyên môn đào tạo sau khi ra trường thì sẽ phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục khẳng định, công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung cốt lõi để thành phố hội nhập và phát triển. Đối với những học viên đề án, có thể sẽ còn nhiều khó khăn về thu nhập, mức sống, hoặc có thể vẫn tồn tại khách quan của sự chuyển dịch công việc từ khu vực công sang khu vực tư. Điều quan trọng là nếu thành phố xây dựng môi trường làm việc minh bạch, công bằng, khoa học, đồng thời tạo dựng một niềm tin, khát vọng vào ý nghĩa công việc phân công đối với học viên thì đề án nhất định sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Ở một quan điểm khác, theo anh Trần Đại Lâm, chuyên viên Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND thành phố, để phát huy đề án hiệu quả, thành phố nên xem xét giảm bớt công tác đào tạo nguồn, thay vào đó nên tăng cường thu hút nguồn lực thành phố có nhu cầu, với công tác tuyển chọn, tiếp nhận kỹ càng, nhất là xem xét quá trình công tác của họ để việc tiếp nhận thật sự có hiệu quả.
Là học viên đề án, hiện công tác tại một cơ quan của thành phố, V.T.T.T cho biết, bản thân sau khi học xong, được bố trí việc làm đúng như nguyện vọng, được lãnh đạo cơ quan quan tâm, tạo điều kiện trong suốt quá trình công tác. Những năm đầu công tác được hưởng các chế độ đãi ngộ vượt trội so với công chức thông thường. Từ trải nghiệm của bản thân, T. cho rằng, vấn đề biên chế là một bài toán khó trong bối cảnh hiện nay. Khi triển khai đề án cần thận trọng, xem xét kỹ (ví dụ tại một số thời điểm do cần cắt giảm biên chế, có một số học viên đề án phải bố trí biên chế về các đơn vị sự nghiệp nhưng làm việc tại cơ quan văn phòng sở, từ đó ảnh hưởng đến chế độ chính sách và tâm lý).
Thành phố cần có những buổi trao đổi sâu giữa cơ quan tuyển dụng, cử đi đào tạo với ứng viên tham gia đề án để xác định tư tưởng, bảo đảm ứng viên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, nhất là môi trường làm việc và khả năng phát triển trong tương lai (nhất là đối với những ứng viên chưa công tác trong khu vực công). Mặt khác, thành phố cần tập trung vào những ngành mũi nhọn. Đối với các lĩnh vực thiếu chuyên gia, nhân sự quản lý cấp cao, nên chú trọng theo hướng thu hút, tuyển dụng (với chế độ đãi ngộ xứng đáng) những người đã có kinh nghiệm hơn là đào tạo nhân sự tại chỗ. Mở rộng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có, nhất là hợp tác với các công ty chuyên về đào tạo nhân sự để có kết quả tối ưu.
Đổi mới cách thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-7-2023. Chiến lược đã xác định cụ thể mục tiêu thu hút nhân lực chất lượng cao theo từng giai đoạn (đến 2025, 2030 và định hướng đến 2050); đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó có giải pháp về khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài, nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài…
Theo chương trình công tác, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá vì lợi ích chung. Các văn bản của Trung ương sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút, phát triển nguồn nhân lực khu vực công.
Tại thành phố Đà Nẵng, trong năm 2022, thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về việc thống nhất chủ trương ban hành đề án, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án số 3919/ĐA-UBND ngày 19-7-2022 về Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030 (Đề án 3919). Trong đó, tập trung hai nội dung chính là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đổi mới cách thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với triển khai các cơ chế, chính sách trọng dụng người có tài năng đang công tác trong khu vực công.
Về phạm vi, đề án xác định trong giai đoạn tới cần tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là y tế, giáo dục cùng với các lĩnh vực động lực, mũi nhọn của thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch, logictics và công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số. Những nội dung, mục tiêu của thành phố và một số lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung thu hút trong thời gian đến đều đã được đề cập trong Chiến lược quốc gia mà Chính phủ vừa mới ban hành.
Một trong những nhiệm vụ để triển khai Đề án 3919, dự kiến UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 tại kỳ họp cuối năm 2023.
Theo đó, thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh các quy định về đối tượng, tiêu chí, chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đến làm việc tại thành phố. Đồng thời, sẽ xây dựng cơ chế đánh giá, công nhận thành tích thiết thực, đánh giá trên hiệu quả công việc, vị trí việc làm để từ đó có những chính sách đãi ngộ, động viên kịp thời; góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công của thành phố trong thời gian đến, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.
TRỌNG HUY