Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn

.

ĐNO - Ngày 19-10, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) tham dự hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (giữa), Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) tham dự hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ

Báo cáo tại hội thảo nêu, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ đại học trở lên.

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Trong đó, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2 đề án quan trọng, gồm đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch; đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng có nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 43 NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 3-11-2012 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tầm nhìn đến năm 2045 là "Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phổ biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển của Đà Nẵng, đó là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP thành phố; có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh. 

Xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp, 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, ngay sau hội thảo Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai xây dựng đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố, thành lập tổ công tác và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia để tham mưu xây dựng đề án và các nội dung liên quan. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bản thành phố, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua trong thời gian sớm nhất.

"Đà Nẵng đã chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, kể cả trong nghiên cứu thiết kế lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kỳ vọng hội thảo sẽ tạo dựng được liên minh gồm các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước trong thời gian đến.

NGỌC HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.