'Trị bệnh' né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

.

Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám xử lý công việc... đã trở thành thực trạng phổ biến trên cả nước, làm chậm quá trình phát triển của đất nước, địa phương. Thực trạng này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhận diện, cảnh báo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để chấn chỉnh, khắc phục. Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, từ tổ chức tọa đàm quy mô lớn đến triển khai nhiều cách làm mới để khắc phục, chấn chỉnh, trong đó nhấn mạnh chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì động cơ trong sáng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) kiểm tra dự án tại địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) kiểm tra dự án tại địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bài 1: Nhận diện đùn đẩy, né tránh

Biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, sa sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thành phố.

“Ai cũng tìm cách để được tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố”

Thành phố Đà Nẵng lâu nay được dư luận chung đánh giá là thành phố năng động, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ, xây dựng và phát triển thành phố. Điều đó được Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định: “Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh” để phát triển.

Nói về điều này, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, ngay sau khi chia tách tỉnh, trở thành đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương, thành phố đã đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, tăng tốc phát triển trên hầu khắp các lĩnh vực. Đà Nẵng những năm đó như một công trường lớn, cán bộ công chức, viên chức ai ai cũng tìm cách để được tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế - xã hội đều đạt ở mức cao, diện mạo đô thị khởi sắc từng ngày, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Trong hơn 25 năm qua, thành phố có nhiều chủ trương về chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, các cuộc vận động, chương trình xây dựng thành phố “5 không, “3 có”, “4 an”; nhiều chủ trương an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn với nhiều mô hình và cách làm tốt, có hiệu quả, được dư luận cả nước đánh giá cao. Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đà Nẵng cũng là địa phương chịu nhiều thử thách nặng nề. Với sự hỗ trợ của cả nước và sự đồng lòng, đoàn kết, sẻ chia của người dân, thành phố đã vượt qua đại dịch và sớm trở lại trạng thái bình thường.

Sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương, mất mát, nhưng nhiều giá trị tốt đẹp được bộc lộ và nhân lên, đặc biệt là tinh thần làm việc xả thân để cứu người bệnh của y, bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và của CBCCVC các cơ quan thành phố, những nghĩa cử nhân văn, mang ý nghĩa thiện nguyện của hàng triệu người dân khắp các địa bàn cơ sở. “Một thành phố như vậy, hẳn đội ngũ CBCCVC của thành phố phải là những người tận tâm, tận tụy với công việc, có nhiều sáng kiến và đổi mới, hết lòng vì công việc chung”, ông Trí nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới vừa được tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.

Trong đó nổi bật là việc triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính ở tất cả các cấp theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ những kết quả đó, thành phố 13 năm liên tiếp (2009-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index); 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 2 năm liên tiếp (2021-2022) xếp hạng Nhất trong khối các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Những nhóm biểu hiện đùn đẩy, né tránh

Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận CBCCVC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn. Tại tọa đàm “Thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của CBCCVC trong tình hình hiện nay” và hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức vừa qua đã nhận diện một số nhóm biểu hiện đùn đẩy, né tránh.

Đó là CBCCVC không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền hoặc theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về một nhiệm vụ, công việc cụ thể. CBCCVC không ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ tham mưu nhưng không chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu lòng vòng, không nêu rõ quan điểm chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao; không phối hợp hoặc phối hợp không có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) kiểm tra hành chính công vụ tại các địa phương, qua đó nhắc nhở, động viên cán bộ công chức bộ phận “Một cửa” thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) kiểm tra hành chính công vụ tại các địa phương, qua đó nhắc nhở, động viên cán bộ công chức bộ phận “Một cửa” thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đặc biệt, CBCCVC tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình; không chủ động dự báo tình hình, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Điều đáng nói, CBCCVC thờ ơ, vô cảm, có thái độ bàng quang, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái trong cơ quan, đơn vị và xã hội. Người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin; công việc thuộc thẩm quyền ký của mình nhưng để người khác ký thay...

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết trong lĩnh vực tiếp dân, xử lý đơn thư thì tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm biểu hiện rất cụ thể. CBCCVC được phân công nhiệm vụ nhưng trong quá trình trực tiếp tham mưu thì đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, ngại hoặc sợ gặp công dân. Việc giải quyết đơn thư xảy ra tình trạng đơn thư đi lòng vòng, không giải quyết dứt điểm cho người dân, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; còn chậm trễ, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân… “Trong xử lý các vụ án, vụ việc, nổi lên hiện tượng cán bộ nắm không đúng quy định pháp luật, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không làm hết trách nhiệm dẫn đến hệ quả không tốt”, ông Chánh nói.

Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh nhìn nhận, thời gian qua, việc phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương khá tốt nhưng vẫn còn một số bộ phận CBCCVC đùn đẩy nhiệm vụ, trách nhiệm, làm ảnh hưởng việc chung của thành phố. “Hiện nay, nhiều nội dung trước khi trả lời hoặc báo cáo thành phố địa phương tổ chức họp để lắng nghe ý kiến, có giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, khi mời các sở, ngành thì hầu như rất ít trường hợp sở, ngành cử cán bộ tham gia, thảo luận. Khi địa phương gửi báo cáo lên thì các sở, ngành tổ chức họp lại, gây ức chế cho cơ sở khi một nội dung không có gì phức tạp nhưng phải họp nhiều lần. Vì vậy, cần chấn chỉnh, triển khai đồng bộ trong thời gian tới”, ông Thạnh nêu thực trạng.

Nói về việc cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy né tránh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Đây không phải là tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố. Chúng ta phải nhìn nhận việc này cho khách quan, không thể vì một số nhỏ mà chúng ta phủ nhận đi những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị cũng như đại đa số cán bộ, công chức, viên chức đang rất tâm huyết với trách nhiệm của mình” 

Ông VÕ CÔNG TRÍ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy:
Đùn đẩy, né tránh làm công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực không được phát huy

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị không phải bây giờ mới có. Điều đáng nói là tình trạng này hiện đang trở nên “khá phổ biến” và ngày càng gia tăng, lan rộng trong nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trên phạm vi cả nước; không chỉ một số cơ quan, đơn vị ở địa phương mà cả ở bộ, ngành Trung ương. Thực trạng này rất đáng quan tâm, lo ngại do tác động xấu của nó.
Nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước đã đề cập đến tình trạng này. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 6-2023), các đại biểu đã nêu ra, phân tích tác hại nhiều mặt của tình trạng CBCCVC né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong các phiên thảo luận. Có thể thấy, căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết của một bộ phận CBCCVC trong hệ thống chính trị; đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ở nhiều nơi, tình trạng này làm cho người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; nhiều công trình, dự án đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được phê duyệt, cấp phép. Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân thấp...

NGỌC PHÚ - THẢO NHI

;
;
.
.
.
.
.