Cần chính sách, giải pháp đủ mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

.

Chiều 31-10, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch hầu hết là các chỉ tiêu xã hội, trong khi 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch thuộc lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế nước ta đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa thành công và chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Dự báo khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tới, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch”, “chẩn bệnh”, “kê đơn” sát hợp, có những chính sách, giải pháp đủ mạnh bảo đảm tính khả thi để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong thời gian đến.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường.  Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9-2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022; nền kinh tế hiện đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, giải ngân chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95% trong gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng với lãi suất 2%/năm…

Tất cả yếu tố trên cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn; sự tiếp cận nguồn vốn trở nên hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng; thị trường bất động sản gần như bị đóng băng, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Vì vậy, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Đại biểu Cường cho rằng, trong 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch có 2 chỉ tiêu là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện để có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, sớm cải thiện trong thời gian đến. Theo đại biểu , tháng 9-2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Theo tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, Hoa Kỳ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Do đó, trong thời gian đến, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Hoa Kỳ và các đối tác khác. Đây là cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét, quan tâm khai thác thích đáng.

Đại biểu Cường cho biết, trong 12 nhóm giải pháp đã đề ra trong thời gian đến, Chính phủ đề cập đến việc chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó có tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Để chính sách có thể thực thi được, cần cụ thể hoá chủ trương bằng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Đơn cử như cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở cho các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê để đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.