Đà Nẵng luôn đặt người dân là trung tâm trong xây dựng các chính sách

.

ĐNO - "Trong xây dựng chính sách, Đà Nẵng luôn đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, với phương châm "Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ".

Đó là phát biểu của Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết tại hội thảo khoa học "Thực trạng, những vấn đề đặt ra và yêu cầu mới trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) – Nhà nước pháp quyền XHCN – Nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam" diễn ra sáng 26-12 tại Đà Nẵng.

Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

TS Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài KX.04.04/21-25; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25, Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo.

Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, đối với thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua, đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương của Trung ương về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, thành phố luôn xác định việc thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với việc bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho tất cả mọi người dân được thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó, thành phố xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội; xử lý kịp thời các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội; phát hiện và xử lý kịp thời các tiêu cực xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội để phát triển.

Đặt lợi ích người dân lên trên hết

Để phát triển thành phố như ngày hôm nay, phần lớn nhờ sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Thành phố luôn dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Trong xây dựng các chính sách, thành phố luôn đặt người dân là trung tâm, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, với phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”.

Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố đã chủ động, nỗ lực, với cách làm bài bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thành phố chủ động báo cáo, làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương để đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu đang được khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhờ đó, một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá, nhất là hoạt động dịch vụ, du lịch, xuất khẩu phần mềm; quy mô nền kinh tế thành phố ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022; các công trình động lực, trọng điểm được tập trung chỉ đạo khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình quy mô lớn, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, hướng đến phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội luôn được chú trọng triển khai thực hiện bảo đảm với nhiều chính sách vượt trội.

Thành phố đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với động lực là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế biển gắn với logistic, xây dựng nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh; chỉ đạo, định hướng việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, khơi thông nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư.

“Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội quý báu để thành phố Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam; từ đó, nghiên cứu, tổng kết lý luận, đổi mới tư duy để chúng tôi nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội vào thực tiễn phát triển của thành phố, nhất là trong điều kiện thành phố đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS Bùi Trường Giang đề nghị các đại biểu tập trung phân tích và làm rõ thực trạng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đồng thời, đánh giá việc giải quyết mối quan hệ, những vấn đề đặt ra trong giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; đề xuất, kiến nghị các giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN - Nhà nước pháp quyền XHCN - Nền dân chủ XHCN ở nước ta trong việc hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong giai đoạn tới.

TS Bùi Trường Giang mong các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ cho Ban Chủ nhiệm Đề tài và cũng là đóng góp cho Hội đồng lý luận Trung ương trong quá trình hoàn thành nghiên cứu đề tài, đóng góp vào sự thành công của Chương trình KX.04./21-25 và việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV, nghiên cứu phát triển lý luận của Đảng.

NGỌC PHÚ

 

 
;
;
.
.
.
.
.
.