Kỷ niệm 55 năm Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê

.

ĐNO - Sáng 23-12, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng) tổ chức kỷ niệm 55 năm Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 - 26-12-2023). Đến dự, có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường; Dũng sĩ Thanh Khê, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám cùng thân nhân gia đình Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và các Dũng sĩ Thanh Khê.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (ngoài cùng bên phải) và Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cho Dũng sĩ Thanh Khê, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám. Ảnh: LÊ HÙNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (ngoài cùng bên phải) và Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cho Dũng sĩ Thanh Khê, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám. Ảnh: LÊ HÙNG

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định, cùng với nhân dân Đà Nẵng anh hùng, nhân dân Thanh Khê đã một lòng trung kiên, bất khuất, theo Đảng, Bác Hồ.

Lịch sử Đảng bộ quận Thanh Khê trân trọng ghi nhận cuộc chiến đấu anh dũng trong lòng thành phố, ngay giữa ban ngày của 7 Dũng sĩ Thanh Khê và sự hy sinh oanh liệt của Mẹ Lê Thị Dãnh hay còn gọi Mẹ Nhu - Mẹ Dũng sĩ. Đây là một trong những trận đánh huyền thoại, là biểu tượng cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đức hy sinh và lòng dũng cảm của người dân Thanh Khê.

Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê đã làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân quận Nhì (quận Thanh Khê ngày nay), củng cố niềm tin, tiếp tục chiến đấu và chiến thắng quân thù, góp phần đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, cùng với sự che chở, đùm bọc của Mẹ Hiền và bà con khu vực Thanh Khê mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý giá về đường lối chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, là bài học về lòng thủy chung, kiên trung với Đảng, với cách mạng của nhân dân ta; bài học về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Thanh Lộc Đán - khu Tây - quận Nhì (Thanh Khê ngày nay) trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê được Đặc khu ủy Quảng Đà tuyên dương công trạng. Và chiến công này góp phần để nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân quận Nhì - Thanh Khê được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ của Chủ tịch nước phong tặng vào tháng 6-2003.

Đặc biệt, năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, nhân dân thành phố nói chung, nhân dân quận Thanh Khê nói riêng vô cùng tự hào, xúc động khi Tượng đài Mẹ Nhu được xây dựng sừng sững, uy nghi, đứng giữa con đường Điện Biên Phủ - cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố.

Từ ngày thống nhất đất nước, các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân quận Thanh Khê luôn biết ơn, trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương thủy chung, son sắt của các thế hệ đi trước. Xem đây là hành trang quý báu, động lực tinh thần quan trọng để phấn đấu thi đua trong quá trình xây dựng và phát triển Thanh Khê ngày càng giàu mạnh, văn minh…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (ngoài cùng bên trái) và Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho nhà điêu khắc Tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê và tác giả có tác phẩm được chọn làm biểu trưng quận Thanh Khê. Ảnh: LÊ HÙNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (ngoài cùng bên trái) và Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho nhà điêu khắc Tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê (thứ 2, phải sang) và Đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao - đơn vị có công trong việc xây dựng tượng đài Mẹ Nhu. Ảnh: LÊ HÙNG

Tại buổi lễ, Ban tổ chức công bố quyết định của UBND thành phố về việc công nhận tượng đài Mẹ Nhu vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố và công bố biểu trưng quận Thanh Khê. Trong đó hình tượng Mẹ Nhu là giá trị cao quý nhất để nhân dân thành phố và cả nước biết đến một Thanh Khê anh hùng, một Thanh Khê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, một Thanh Khê phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Lãnh đạo thành phố và các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: LÊ HÙNG
Lãnh đạo thành phố và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: LÊ HÙNG

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
.