Làm mô hình chính quyền đô thị thì cần cơ chế, chính sách đặc thù

.

ĐNO - Hai vấn đề chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với nhau. Cơ chế, chính sách đặc thù về bản chất là để phục vụ cho chính quyền đô thị. Làm mô hình chính quyền đô thị thì cần cơ chế, chính sách đặc thù.

Bí thư Thành ủy chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HUY
Bí thư Thành ủy chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HUY

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tại buổi làm việc nghe báo cáo việc triển khai xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Cùng dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Định hướng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trên cơ sở phân tích các mặt thuận lợi, khó khăn, kết quả thực tiễn triển khai cũng như cơ sở pháp lý, cần nghiên cứu, đề xuất theo hướng chỉ xây dựng 1 Nghị quyết theo tinh thần tiếp thu các nội dung sẵn có từ Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Theo Bí thư Thành ủy, về tên gọi, đề xuất là: Nghị quyết mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố Đà Nẵng. Về nội dung góp ý, đối với nội dung về chính quyền đô thị, đề xuất để thành phố chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị từ căn cứ thực tiễn và cơ sở pháp lý, trong đó nêu bật kết quả 3 năm triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố. Đề xuất về các cơ chế để bảo đảm các hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị cấp quận, phường và thành phố được thông suốt, chủ yếu đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, phân cấp, ủy quyền…

Về nội dung đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, cần lưu ý rà soát những nội dung thực sự là đặc thù để việc triển khai, áp dụng thực sự có hiệu quả, trọng tâm, khái quát. Chú trọng đề xuất cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển, cần quan tâm cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án hạ tầng động lực, trọng điểm (chủ yếu ngành giao thông).

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HUY
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HUY

Ngoài ra, cần quan tâm đến các cơ chế để thu hút một số ngành mới (chíp bán dẫn, công nghệ AI…), chú trọng chuẩn bị kỹ các mặt về pháp lý bảo đảm việc thu hút hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, về phương án triển khai, có 2 phương án. Phương án 1, xây dựng 1 Nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị (thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14) và xây dựng mới 1 Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Mặt thuận lợi, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, thành phố nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị thống nhất chủ trương cho phép Đà Nẵng xây dựng Nghị quyết riêng về cơ chế chính sách đặc thù tại Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, dự kiến tổ chức cuối tháng 2-2024.

Về khó khăn đối với phương án này, đó là phải chờ chủ trương của Bộ Chính trị về việc xây dựng Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù (dự kiến trong tháng 3-2024).

Phương án 2, xây dựng 1 Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Mặt thuận lợi, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29-11-2023 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội “giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng".

Mặt khó khăn, không tách riêng được mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội số 119/2020/QH14 và cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố nhằm thực hiện các mục tiêu được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 và hiệu lực của Nghị quyết này sẽ phụ thuộc nhiều vào chủ trương của Trung ương trong việc thí điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố.

Cần có thêm thời gian để xin ý kiến của các Bộ ban ngành liên quan đến nội dung chính quyền đô thị như Bộ Nội vụ (chủ trì về mô hình chính quyền đô thị), Bộ Tài chính (về cơ chế chính sách cho mô hình chính quyền đô thị).....

Việc điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 khả năng sẽ không tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc của thành phố so với khi Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.

Tại buổi làm việc, trên cơ sở định hướng của chủ trì, các đại biểu thống nhất đề xuất xây dựng 1 Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, bổ sung các đề xuất đối với các nội dung góp ý tại buổi làm việc, bảo đảm tiến độ, hoàn thiện báo cáo.

Nhiệm vụ của các sở, ngành là rất lớn. Cùng với đó, thành phố phải bám sát các bộ, ngành Trung ương có liên quan để phối hợp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy về kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Nghị quyết mới của Quốc hội, cần chú ý bảo đảm thẩm quyền của HĐND thành phố; tích cực, tranh thủ sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương trong việc gợi mở, bổ sung các đề xuất để hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Lưu ý cần nghiên cứu, xem xét bổ sung đề xuất cơ chế, chính sách phát triển về văn hóa, xã hội của thành phố; chú trọng đánh giá tác động của chính sách trong các đề xuất.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, thống nhất cao sẽ tham mưu, đề xuất theo phương án ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14.

UBND thành phố, các sở, ban, ngành liên quan rà soát các cơ chế đã đề xuất; tham mưu, đề xuất được các chính sách thu hút nguồn lực để triển khai các dự án và các định hướng lớn trong Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ; cùng với một số chủ trương mới về phát triển chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Theo Bí thư Thành ủy, việc thành lập tổ công tác phải tổ chức khoa học cụ thể, có phân công rõ ràng, có trách nhiệm để việc tham mưu, giúp việc hiệu quả, tránh hình thức.

Định kỳ, hoặc đột xuất phải có báo cáo thường xuyên với Thường trực Thành ủy để nghe báo cáo; tối thiểu 1 tháng phải họp để nghe báo cáo tiến độ, từ đó có chỉ đạo kịp thời.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.
.