Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người 'tâm phục, khẩu phục'

.

ĐNO - Chiều 24-12, tại Đà Nẵng, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2024 và ra mắt bộ sách lịch sử TAND Việt Nam (1945-2023). Đến dự, có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, đánh giá cao thành tích, thành quả TAND các cấp đạt được trong năm 2023. Đồng thời khẳng định, TAND có vị trí, vài trò hết sức quan trọng, là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, năm 2023, ngành tòa án chủ động, sáng tạo, có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác. Công tác xét xử có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao; chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất, tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng thực chất, hiệu quả hơn, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Đồng thời, tổ chức xét xử thành công, đúng tiến độ nhiều vụ án tham nhũng lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp liên ngành tố tụng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các cụ án lớn. Các vụ án đã xét xử được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao, khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ngoài cùng bên phải) và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) dự hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bên phải) và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) dự hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG

Chủ tịch nước đề nghị, thời gian đến cấp ủy và lãnh đạo TAND các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập. Nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

“Uy tín của tòa án cũng chính là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt. Song song đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ.

Khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân, đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án. Chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đẩy mạnh công khai bản án, quyết định của tòa án làm cơ sở để nhân dân và cơ quan liên quan giám sát hoạt động, tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý, công bằng xã hôi”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chúc mừng các kết quả, thành tích TAND các cấp đạt được trong năm 2023. Đồng thời cho biết, trong năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo hoạt động của TAND hai cấp thành phố đúng theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Hướng dẫn số 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG

Các vụ án tham nhũng, tiêu cực, những vụ án được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, chất lượng xét xử được nâng cao, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, nhiều bản án có chất lượng tốt được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ có tác dụng phòng ngừa và giáo dục cao.

Qua công tác xét xử, TAND hai cấp thành phố kịp thời tham mưu, đề xuất cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhiều giải pháp quan trọng, khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước. Thành phố rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo của TAND Tối cao trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành đối với các bản án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

“Năm 2024, dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng thành phố tin tưởng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trên cơ sở kết quả, thành tích đạt được trong thời gian qua, ngành TAND sẽ ngày càng vững mạnh và phát triển, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc để khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của thành phố. Tập trung xây dựng thể chế làm nền tảng, cơ sở cho sự phát triển lâu dài của thành phố.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã có nghị quyết về việc giao Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 trong thời gian tới.

Năm 2023, mặc dù kinh tế thành phố còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá, nhất là hoạt động dịch vụ, du lịch, xuất khẩu phần mềm. Quy mô nền kinh tế thành phố ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Các công trình động lực, trọng điểm được tập trung chỉ đạo khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình quy mô lớn, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thành phố tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với động lực là công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin gắn với xây dựng nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh…

Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo để xây dựng các cơ chế, chính sách phục vụ việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Các chính sách an sinh xã hội luôn được chú trọng triển khai thực hiện bảo đảm với nhiều chính sách vượt trội, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm đạt được những kết quả tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong kết quả chung đó, có vai trò hết sức quan trọng của các cơ quan tư pháp thành phố nói chung và TAND hai cấp của thành phố nói riêng.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
.