ĐNO - Sáng 11-1, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng đến thăm và tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa tại Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng (bên phải) tặng quà, thăm hỏi ông Phạm Sô (giữa). Ảnh: TRỌNG HUY |
Đây là hoạt động thường niên được chính quyền huyện Hoàng Sa tổ chức vào mỗi dịp 19-1, ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép năm 1974, để nhắc nhở và tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đoàn đến thăm ông Phạm Sô, trú tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), có nghề nghiệp chính là thợ xây dựng. Tháng 4-1957, ông xuống tàu rời cảng Đà Nẵng ra đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là xây dựng hồ chứa nước mưa để cung cấp nước ngọt cho nhân sự Trung tâm khí tượng và lính địa phương quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Bốn tháng sau ông về lại Đà Nẵng.
Thăm, tặng quà ông Trương Văn Quảng (trái), người có hơn 10 lần ra công tác tại Hoàng Sa. Ảnh: TRỌNG HUY |
Thăm ông Trương Văn Quảng, trú tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), là quân nhân kỹ thuật cơ khí trên chiến hạm HQ.400. Từ năm 1959-1973, ông có mặt trên chiến hạm HQ.400 với hơn 10 lần ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ tiếp tế cho trung đội lính địa phương quân và nhân viên khí tượng trên đảo.
Trước đó, đoàn đến thắp hương cho ông Trần Văn Hảo (đã mất). Ông Hảo tham gia lính địa phương quân thuộc đơn vị Tiểu khu Quảng Nam, cấp bậc Trung sĩ. Năm 1968 ông ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Ông cùng các đồng đội bị Trung Quốc bắt trong sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974, bị tạm giam ở đảo Hải Nam trong ba tháng, rồi đưa qua Hồng Kông và được trao trả về nước sau đó.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng thắp hương viếng ông Trần Văn Hảo. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tại các nơi đến thăm, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng thắp hương tưởng nhớ những nhân chứng đã mất, hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của các nhân chứng còn sống, thân nhân gia đình các nhân chứng, mong muốn các nhân chứng tiếp tục sống khỏe, truyền cảm hứng về tình yêu biển, đảo quê hương cho thế hệ trẻ.
Năm nay, UBND huyện Hoàng Sa đã thực hiện sao chụp, in ấn và phát hành kỷ yếu tư liệu, kỷ vật (bản sao) về Hoàng Sa để tặng cho các nhân chứng, gia đình nhân chứng Hoàng Sa khắp cả nước để nhắc nhớ, tạo điều kiện tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Trương Văn Quảng vui mừng đón nhận tập tư liệu, lần giở từng trang ký ức do ông và những người thời ông từng tham gia công tác tại Hoàng Sa, qua từng trang bút tích, hình ảnh, tư liệu quý về Hoàng Sa được in ấn đẹp mắt, ấn tượng.
Đây sẽ là tập tài liệu quan trọng, có ý nghĩa to lớn xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa đối với các nhân chứng Hoàng Sa nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, để nhắc nhớ, lưu giữ và truyền lại mai sau về tinh thần vệ quốc, về chân lý Hoàng Sa là của Việt Nam.
Dịp này, UBND huyện Hoàng Sa cũng đến thăm các nhân chứng còn sống và thân nhân các nhân chứng đã mất tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế.
TRỌNG HUY