22 giờ đêm ngày 11-4, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhắn gửi lời thăm hỏi và chúc mừng đến 70 thành viên đoàn công tác của thành phố ngay vừa kết thúc chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1.2 (Phúc Tần) từ ngày 5 đến 11-4. Đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ trên chuyến hải trình từ tàu KN 390 đến với Trường Sa khi đã mang ra tình cảm, mang về niềm tin.
Đưa hàng hóa và đoàn công tác thành phố Đà Nẵng lên đảo Đá Thị (quần đảo Trường Sa) từ tàu KN 390 neo đậu từ khơi xa. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Đà Nẵng tình người
Thực hiện chủ trương của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố về tổ chức đoàn công tác thăm cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, đoàn công tác thành phố gồm 70 thành viên do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi làm trưởng đoàn. Điểm khác so với những đoàn công tác trước là thành phần các đoàn công tác là nhiều thành viên lớn tuổi như bác Trần Văn Liên (sinh năm 1950) và Khổng Duy Đỉnh (1952) thuộc Ban liên lạc Đặc công nước 471 đại diện cho các cựu chiến binh...
Trên chuyến hải trình ra Trường Sa, các đại biểu cao tuổi đều can trường giữ gìn sức khỏe và phấn khởi trong suốt chuyến đi. Cựu chiến binh, Đại tá Trần Văn Liên (Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công nước 471) chia sẻ một đời binh nghiệp, một đời người của ông chưa bao giờ nhận được ân tình mà thành phố Đà Nẵng vừa trao tặng đó là trong tháng 3- 2024 tổ chức giúp Tiểu đoàn đặc công nước 471 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và ngay liền sau đó là phần thưởng hết sức đặc biệt tham gia đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa. Đây là nơi mà cựu chiến binh Trần Văn Liên, Khổng Duy Đỉnh vào ngày 11-4- 1975 đã cùng với 50 đồng đội và các cánh quân vượt sóng biển ra giải phóng Trường Sa, đóng góp chung vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
“Tôi được hồi sinh như thời trai trẻ bởi sự quan tâm của thành phố để cho tôi dâng tràn cảm xúc mảnh liệt. Hôm nay đứng giữa Trường Sa dù đã 49 năm nhưng tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua. Tôi quá đỗi tự hào về những đồng đội ngày hôm nay đã tiếp nối truyền thống anh hùng, vững chắc tay súng gìn giữ biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Liên xúc động bày tỏ.
Thật vậy, cùng lớp cha trước, lớp con sau của các cựu chiến binh Trần Văn Liên, Khổng Duy Đỉnh, tất cả 70 thành viên của thành phố Đà Nẵng trong Đoàn công tác số 5 của Quân chủng Hải Quân trong hải trình ra thăm Trường Sa lần này đều tích cực tham gia các hoạt động của đoàn công tác. Đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây A và thị trấn Trường Sa, đoàn công tác thành phố đã gặp mặt, giao lưu, thăm hỏi, động viên và đã trao tặng trên 50 suất quà, 15 bộ máy tính.
Thành phố cũng trao tặng huyện đảo Trường Sa nhiều trang thiết bị cơ giới với giá trị hàng tỷ đồng. Trong chuyến công tác lần này ra thăm quần đảo Trường Sa, nhiều cá nhân, tập thể cũng đã trao tặng thêm nhiều phần quà. Trong đó, có UBND các quận, huyện của thành phố đã trao tặng đến các đảo mà đoàn đến thăm với giá trị tiền mặt 5-10 triệu đồng, điều này thể hiện vùng biển đảo Trường Sa là một phần máu thịt của quê hương mình. Tại đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa), Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong, đại diện cho cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị chuyển đến tặng các chiến sĩ món quà tặng là thẻ cào thanh toán cước điện thoại trị giá hàng chục triệu đồng để gắn kết thông tin từ đất liền đến đảo xa.
Cựu chiến binh Trần Đình Liên (bên phải) trò chuyện với quân dân trên đảo Sinh Tồn sau 49 năm ông cùng đồng đội tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Mang về niềm tin
Cũng là thành viên được thành phố mời đi thăm thân (con trai) đang công tác ở quần đảo Trường Sa là ông Nguyễn Văn Long (1961) hiện đang ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bác Nguyễn Văn Long chia sẻ, cả đời ông cho đến hôm nay mới thấu hiểu giấc mơ là có thật bởi thành phố Đà Nẵng đã đem lại điều đó. Ông Nguyễn Văn Long là một trong nhiều thành viên được thành phố mời tham gia đoàn công tác đi thăm thân và hai cha con đã có cuộc gặp lịch sử của gia đình trên đảo Song Tử Tây.
Đoàn công tác của thành phố trên chuyến hải trình ra Trường Sa lần này có đại biểu là nữ cũng rất đặc biệt là cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường Mầm non Trăng Non (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Chồng cô giáo Thúy đang công tác trên đảo Sơn Ca. Vì lý do đảo đang có một số hoạt động đặc thù nên đoàn công tác không ghé lên đảo.
Đứng trên boong tàu KN 390 đi lướt qua đảo Sơn Ca, cuộc hội ngộ chưa thành trên biển đảo Trường Sa giữa cô giáo Thúy và chồng- người chiến sĩ hải quân, ai ai trong đoàn cũng cảm nhận cô giáo Thúy cuộn trào những dòng nước mắt chảy ngược vào tim. Trên hành trình trở về thành phố, cô giáo Thúy thỏ thẻ: “Đoàn công tác chúng ta hôm nay được đến thăm nhiều đảo ở Trường Sa và dù chưa đến được đảo Sơn Ca, nhưng em tin chắc rằng chồng em vẫn khỏe mạnh, công tác tốt như những cán bộ, chiến sĩ khác mà em đã gặp”.
Trên chuyến hải trình ra Trường Sa, đoàn công tác đã đặt chân lên các đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây A và Trường Sa lớn. Dù tàu KN 390 rất cố gắng nhưng gió to, sóng lớn nên sử dụng cano chuyển hàng hóa, quà tặng sang nhà giàn. Gửi lời chúc qua bộ đàm trên tàu KN 390 đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK 1.2, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nói trong nghẹn ngào: “Chúng tôi muốn trực tiếp gặp gỡ, chứng kiến đời sống sinh hoạt của các đồng chí...được gửi gắm tình cảm yêu thương từ đất liền...
Trong cách trở do điều kiện thời tiết, đoàn công tác vẫn cảm nhận sâu sắc những khó khăn, gian khổ của các đồng chí nhưng cũng cảm nhận được tinh thần lạc quan, kiên trung, ấm áp nghĩa tình từ các đồng chí ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc... Chúng tôi luôn tin yêu và tự hào về các đồng chí. Hãy giữ vững tinh thần Trường Sa, sức sống Trường Sa, ý chí Trường Sa...”.
Trên hành trình về lại thành phố, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chia sẻ với đoàn công tác: Lâu nay chúng ta luôn hướng về Trường Sa, dành cho Trường Sa với nhiều tình cảm yêu quý, trân trọng. Những ngày này, chúng ta trực tiếp mang tình cảm đất liền ra với Trường Sa và tận mắt chứng kiến cuộc sống, làm việc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thì càng tin yêu và tự hào trong mỗi con người, từng nhịp sống, từng ngọn cỏ nơi đây. Sau chuyến công tác này, mỗi thành viên trong đoàn công tác mang về niềm tin; ý thức hơn về trách nhiệm trong công tác. Đồng thời các thành viên đoàn công tác đều có những trăn trở, suy nghĩ và nhận thấy trách nhiệm của mình cần tiếp tục lan tỏa các giá trị lịch sử biển, đảo Việt Nam; chung tay đóng góp vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tinh thần Trường Sa, ý chí Trường Sa, sức sống Trường Sa mãi mãi được hun đúc trong mỗi người.
TRIỆU TÙNG