Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng

.

Con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng chính là hiện vật thể hiện tính quyền lực, hiệu lực pháp lý của chính quyền mới thiết lập. Đây là con dấu được làm bằng tay, không có tay cầm, được sử dụng từ ngày 29-3-1975, ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng. Thông cáo số 01 của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng là văn bản đầu tiên được đóng con dấu này.

Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản Bảo tàng Đà Nẵng Trần Văn Chuẩn giới thiệu về Con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng cùng nhiều hiện vật liên quan. Ảnh: N.V
Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản Bảo tàng Đà Nẵng Trần Văn Chuẩn giới thiệu về Con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng cùng nhiều hiện vật liên quan. Ảnh: N.V

Con dấu của chính quyền mới

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, trong những ngày đầu giải phóng thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Quân quản thành phố đã dùng con dấu tự làm để đóng trên Thông báo số 1 do Chủ tịch Hồ Nghinh ký. Đây cũng chính là kỷ vật được ông Nguyễn Hữu Lan (Phó Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ làm hiện vật lịch sử.

Theo dòng lịch sử, trưa ngày 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của quân và dân ta đã phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại Đà Nẵng được giải phóng. Chính chiến thắng vẻ vang, anh hùng này đã mở ra trang sử mới cho nhân dân Đà Nẵng. Từ đây, nhân dân đã thật sự làm chủ, tự quyết định cho tương lai, vận mệnh của mình.

Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng. Sau khi Ngô Quang Trưởng- Tư lệnh Quân đoàn 1 của địch tháo chạy khỏi Đà Nẵng thì lực lượng này xem như tan rã, không còn sức kháng cự. Một số đơn vị của ta đã chiếm giữ được những vị trí trọng yếu của địch như: tòa thị chính, sân bay, bến cảng, đài phát thanh, ty cảnh sát, nhà máy điện, nhà máy nước… Quân ta đã nhanh chóng tiếp quản thành phố một cách nhanh gọn, nguyên vẹn và không gây đổ máu. Trong thời gian này, chúng ta cũng khẩn trương thiết lập lại an ninh trật tự, ổn định cuộc sống cho nhân dân và bắt đầu xây dựng, kiến thiết lại thành phố. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng và các cấp để thực hiện các công việc trên, quan trọng nhất là bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Ủy ban Quân quản Đà Nẵng là chính quyền lâm thời do các đồng chí trong Khu 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà tạm thời điều hành, quản lý. Đợi đến khi tình hình ổn định, trật tự thì Ủy ban Quân quản sẽ chuyển giao lại sự quản lý cho chính quyền nhân dân. Trong ngày giải phóng, Ủy ban Quân quản đã ra Thông cáo số 01 về việc công bố danh sách Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Ủy ban Quân quản do đồng chí Hồ Nghinh làm Chủ tịch; 3 đồng chí Phó Chủ tịch là Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát và đồng chí Trần Cát; 5 Ủy viên gồm các đồng chí: Phan Hoan, Phạm Đức Nam, Hoàng Văn Lai, Nguyễn Duy Hưng, Trần Hưng Thừa.

Một trong các nhiệm vụ đầu tiên Ủy ban Quân quản thực hiện là ổn định tình hình an ninh trật tự của thành phố, chống lại các hoạt động phá hoại, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của chính phủ cách mạng lâm thời, lật đổ chính quyền cách mạng của các phần tử phản động. Cùng với đó, Ủy ban Quân quản phải bắt tay xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Tuy nhiên nhiệm vụ này không đơn giản bởi chiến tranh đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề: nhiều thôn xóm, phố phường bị tàn phá; đồng ruộng ở các vùng ven hầu như bỏ hoang; công nghiệp thì không đáng kể; giáo dục, y tế yếu kém…

Để khắc phục khó khăn, khẩn trương giải quyết mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện bảo đảm hoạt động bình thường của người dân, Ủy ban Quân quản kêu gọi nhân dân Đà Nẵng cùng với chính quyền cách mạng bắt tay vào việc dọn dẹp, thu gom vũ khí, tháo gỡ bom mìn; trở lại đồng áng tăng gia sản xuất, mở trường dạy học… Đồng thời, vận động nhân dân đi lánh nạn trở về lại quê hương làm ăn, sinh sống. Dưới sự lãnh đạo, điều hành ban đầu của Ủy ban Quân quản trong những ngày đầu giải phóng, thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng đã dần dần được ổn định. Cuộc sống người dân đã trở lại bình thường và đi vào nền nếp. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền mới.

Bảo tồn giá trị lịch sử của hiện vật

Đến thăm Bảo tàng Đà Nẵng, anh Huỳnh Phước An (SN 1985, quận Thanh Khê) cho rằng, mỗi hiện vật là một tư liệu quý để bản thân mỗi chúng ta thêm hiểu về một thời kỳ kháng chiến oanh liệt của dân tộc. Chính vì vậy, việc lưu giữ, bảo quản và sưu tầm các hiện vật trong các thời kỳ lịch sử cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Chị Nguyễn Diệp An (SN 1989, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, hiện vật chính là cầu nối lịch sử giữa quá khứ và hiện tại và tư liệu quý để thế hệ kế thừa biết trân trọng những công lao, sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì độc lập tự do của dân tộc.

Theo Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản Bảo tàng Đà Nẵng Trần Văn Chuẩn, bên cạnh con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng, hiện tại bảo tàng còn lưu giữ khoảng 40 hiện vật liên quan đến sự kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng như: cờ, sao vàng, con dấu, súng các loại, các thông cáo…

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, giá trị lịch sử của các sưu tập hiện vật tại bảo tàng là không thể thay thế. Các hiện vật như cờ sao vàng, con dấu... được lưu giữ và trưng bày chính là minh chứng hùng hồn, thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng, sự kiên cường dũng cảm của lực lượng vũ trang ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, các nội dung, hiện vật, tư liệu trưng bày cũng phản ánh rõ tính đúng đắn, sáng tạo về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, đỉnh cao là giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

NGỌC PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.