Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Đà Nẵng với chiến thắng 30-4-1975

.

Chiến dịch Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng trưa ngày 29-3-1975. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng trưa ngày 29-3-1975. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 còn có sự đóng góp không nhỏ sức người, sức của và tinh thần hướng về miền Nam yêu thương của nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Quân khu 5” (giai đoạn 1946-2010 – NXB QĐND) ghi, để chỉ huy trận tiến công Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ huy tác chiến tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng và trong phạm vi tỉnh Quảng Đà.

Sau khi chiến dịch Trị Thiên giành thắng lợi, để tranh thủ đánh địch rút chạy, Bộ Tổng tư lệnh quyết định huy động Quân đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công giải phóng Đà Nẵng. Ngày 26-3-1975, Đảng ủy Quân đoàn 2 và Đảng ủy Quân khu 5 nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phải chuẩn bị lực lượng “Hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực địch ở Đà Nẵng, chủ yếu là Sư đoàn thủy quân lục chiến và Sư đoàn 3 ngụy, giành thắng lợi trong trận quyết chiến này, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược sau” (Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, NXB QĐND).

Ngày 26-3 chiến dịch mở màn, đến ngày 28-3 ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch và triển khai lực lượng áp sát thành phố Đà Nẵng từ nhiều hướng. Sau 3 ngày tấn công, đến 15 giờ ngày 29-3 chiến dịch kết thúc, tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty cảnh sát, Ngân hàng quốc gia, trụ sở quân tiếp vụ... đều được kiểm soát, thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận hoàn toàn giải phóng.

Trong cuốn “Đà Nẵng Xuân 1975” do Ban Dân vận - Ban Tuyên giáo Thành ủy phát hành (NXB Đà Nẵng) ghi lại bài nói chuyện của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng dịp thăm cán bộ trung cao cấp ở Khu 5 và thành phố Đà Nẵng tháng 7-1975, đánh giá chiến thắng giải phóng Đà Nẵng là chiến công mở đầu đưa đến thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc Việt Nam ta.

Sách “Lịch sử Đảng bộ Quân khu 5” đã dẫn, sau khi chiến dịch tiến công Đà Nẵng giành thắng lợi, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 5-4-1975 cánh quân “duyên hải” gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 được thành lập. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân khu ủy, các tỉnh ủy chỉ đạo huy động hàng vạn nhân dân hăng hái tham gia sửa đường, bắc cầu, ủng hộ bộ đội cấp tốc hành quân. Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 52 đội hình chính thức tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong cảnh quân “duyên hải”. Trên 1.000 xe của Quân khu 5, của nhân dân nối đuôi nhau vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm kịp vào Nam để chiến đấu trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam ngày 30-4-1975 lịch sử.

Trong hồi ký của ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà, ghi rằng, sau 10 ngày thành phố được giải phóng, ông được cử đi cùng đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ra đỉnh đèo Hải Vân đón, tặng quà, tiễn đưa các binh đoàn từ miền Bắc hành quân theo quốc lộ 1 vào giải phóng thành phố Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Các mẹ, các chị, các tầng lớp nhân dân khẩn trương chuẩn bị cơm nước, quà bánh… đón đoàn quân vào.

“Tháng 4 năm ấy biển lặng, được mùa cá. Ở Xuân Hà, Thuận Phước, các chị vận động mua hết cá ngừ, cá thu của bà con làm biển về, tổ chức kho cá và bỏ vào từng túi ni lon để tiện phân phối cho các đơn vị. Bốn giờ sáng hôm sau, tất cả quà bánh, lương thực, thực phẩm đều được tập kết về vị trí đã định. Chúng tôi lên xe ra đèo Hải Vân. Trên tuyến quốc lộ 1 từ Nam Phước ra Vĩnh Điện, Miếu Bông và dọc từ Hòa Phát đến Nam Ô, Thủy Tú đâu đâu cũng thấy băng cờ, khẩu hiệu hoan hô đoàn quân giải phóng. Tại các địa điểm trên, nhân dân tập trung quà bánh, nước uống, nhất là các loại trái cây: dừa, xoài, dưa hấu... để tặng bộ đội. Lại một lần nữa không khí “Nam tiến” tràn ngập thành phố”, hồi ký ông Ba nêu.

Theo hồi ký của ông Ba, với tinh thần chớp thời cơ, hàng trăm xe chở bộ đội cùng vũ khí được lệnh hành quân thần tốc chạy cả đêm ngày, chỉ được dừng lại ở những điểm nhất định. Trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi đón tiếp và tiễn đưa của tỉnh Quảng Đà, đoàn xe dừng lại gặp gỡ các đại biểu và nhận quà của tỉnh gởi tặng. Năm phút sau, đoàn xe lại lăn bánh. Khi ngang qua Nam Ô, Hòa Khánh, ngã ba Huế, ngã tư Hòa Cầm, Miếu Bông, Vĩnh Điện, Nam Phước... đoàn xe dừng lại để nhận quà bánh và nước uống. Cứ mỗi địa điểm như thế, hàng trăm đồng bào vây lấy đoàn xe, kẻ đưa nước, người chuyển quà bánh, trái cây lên xe. Các mẹ, các chị quấn quýt bên các chiến sĩ thăm hỏi, động viên. Ai nấy đều hân hoan phấn khởi. Nhiều mẹ leo lên xe ôm hôn từng người mà nước mắt dàn dụa như tiễn con mình ra trận. Có những điểm xe không dừng lại được để nhận quà, dân dùng xe máy chở quà bánh đuổi theo và giao cho các xe chạy cuối đoàn.

Ông Ba viết: “Trên đường từ đèo Hải Vân về Đà Nẵng, tôi gặp chị Hòa phường An Khê đang ngồi ôm mặt khóc, hỏi ra mới biết vì đưa hàng đến muộn, chị phải nhờ người đưa xe máy chở số quà chạy tiếp ra đèo Hải Vân. Vừa lên nửa đèo, xe hỏng phải dừng lại. Khi thấy đoàn xe chở bộ đội chạy xuống, chị vẫy tay nhưng xe không thể dừng lại được. Thế là số quà các chị chuẩn bị không đến được với các chiến sĩ, chị ân hận vì chưa hoàn thành nhiệm vụ”.  Hồi ký có đoạn: Liên tiếp trong tháng 4-1975, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân dân thành phố Đà Nẵng nô nức đón mừng tin vui thắng trận. Đặc biệt ngày 30-4-1975, sau khi được tin thành phố Sài Gòn giải phóng, nhân dân đổ ra đường vui mừng thắng lợi, trên khắp các dãy phố mọi nhà đều treo cờ, khẩu hiệu chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui tột cùng ấy, các mẹ, các chị rất tự hào vì trong thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có sự đóng góp dù rất nhỏ của các mẹ, các chị, của nhân dân Đà Nẵng vào thắng lợi chung của dân tộc.

TRỌNG HUY lược ghi

;
;
.
.
.
.
.