Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Đảng đã soi đường, dẫn lối

.

Sinh ra trong gia đình 11 người con ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) nhưng các anh em nhiều người mất khi còn nhỏ do bệnh tật, ông Nguyễn Thành Phấn, 86 tuổi nhớ mình có người anh thứ 3 là liệt sĩ từ hồi chống Pháp. Anh là cán bộ, đang đi công tác ở xã Hòa Quý bị địch phục kích bắn chết, mới chừng 20 tuổi. Lúc đó ông Phấn còn nhỏ, mọi chuyện đều do cha mẹ kể lại. Ông Phấn lớn lên trong vùng chiến sự, sợ bị bắt lính nên xin làm công nhân cầu đường. Nhưng được đâu 3 năm ông bị bắt lính thật, vô đội nghĩa quân. Sau 3 năm ông giải ngũ, xin được chân phục vụ tại Bệnh viện Nhi đồng Hòa Khánh, làm được một năm thì thành phố giải phóng. 

Rất nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương ông Phấn được tặng sau rất nhiều năm đóng góp cho xã hội được các con ông in vào tấm bảng, để trang trọng trước nhà. Ảnh: HN
Rất nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương ông Phấn được tặng sau rất nhiều năm đóng góp cho xã hội được các con ông in vào tấm bảng, để trang trọng trước nhà. Ảnh: HN

Cả nước vừa thoát khỏi cuộc chiến nên khó khăn chồng chất. Vợ chồng ông Phấn có 7 sào ruộng, làm quần quật cả ngày, gặp năm mất mùa không đủ nuôi 4 đứa con. Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phước thành lập, ông xin chân chăn nuôi vịt. Lúc này không chỉ ban ngày, mà “sáng, tối ở miết ngoài đồng”. Đàn vịt của ông có lúc lên đến 400-500 con. Nhờ nuôi vịt, so với bà con trong làng, kinh tế gia đình ông có khá hơn chút.

Hồi mới giải phóng, tôi 37 tuổi. Người vui nhất là cha mẹ tôi. 11 đứa con mà chừ còn có 3 anh em, sau tôi có em trai (sau là Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền) và một cô em gái. Người vui nhất là vợ con, khi không còn lo cho chồng, cho cha.

Giọng ông Phấn hồ hởi, dù nhiều tháng nay bệnh, nằm viện, ông yếu đi rất nhiều. Lúc trẻ, ông làm ruộng, nuôi vịt, làm thủy lợi cho hợp tác xã, làm thông tin văn hóa cho thôn. Khi có tuổi hơn, ông làm trưởng tộc Nguyễn Thành, làm trưởng thôn và gần 30 năm làm hội trưởng khuyến học của tộc họ, rồi làm trong Hội Từ thiện của xã, Hội Chữ thập đỏ. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước, là người có uy tín của xã. “Mấy tháng nay tôi bệnh, chứ không là đi cả ngày.

Làm từ thiện vui lắm, đi xin rồi đi cho”, ông Phấn ra chiều tiếc nuối. Đóng góp cho hoạt động xã hội nhiều, ông được tặng 3 kỷ niệm chương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam. Thấy ông bà không có thu nhập, tuổi cao, năm 2005 xã xét cấp cho ông hộ nghèo. Đến năm 2021, khi hai con trai làm ngành xây dựng bắt đầu khá lên, xây cho cha mẹ ngôi nhà mới khang trang, ông Phấn tìm gặp ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước đề đạt nguyện vọng trả lại thẻ hộ nghèo. Theo ông, địa phương còn nhiều người khó khăn cần giúp đỡ. Mình không vì lợi ích cá nhân mà cố bu bám những gì không còn thuộc về mình, như vậy là đi ngược bản chất tốt đẹp của Đảng. Nhà nước không để ai bỏ lại phía sau.

Ông Phấn nói, các con ông đều có việc làm ổn định, hai đứa con trai làm ngành xây dựng khá thành công là nhờ đất nước mở cửa, dân tự do làm kinh tế. Tất cả là nhờ Đảng soi đường, dẫn lối. Gần 40 năm đổi mới, sự đổi thay trong chính một gia đình cũng như sự đổi thay của đất nước trong từng ngày là niềm vui không thể giấu. Khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc, khẳng định sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng luôn quyết tâm đổi mới, quyết tâm giữ vững sự trong sạch, vì mục tiêu tối thượng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cùng xây dựng  đất nước phát triển hùng cường.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.