Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Ký ức của người lính từng tham gia giải phóng đảo Sơn Ca

.

Những ngày tháng 4 lịch sử, cựu chiến binh Khổng Duy Đỉnh (73 tuổi, tổ 16, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cùng đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đến thăm quần đảo Trường Sa, nơi mình từng tham gia đoàn quân giải phóng đảo Sơn Ca vào ngày 25-4-1975, góp phần cùng quân và dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Khổng Duy Đỉnh tìm lại những người đồng đội trong bức hình.  Ảnh: N.P
Ông Khổng Duy Đỉnh tìm lại những người đồng đội trong bức hình. Ảnh: N.P

Ở tuổi 73, cựu chiến binh Khổng Duy Đỉnh vẫn mạnh khỏe, nước da hồng hào, những ký ức về tháng 4 lịch sử năm 1975 vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, pha ấm nước mát, ông kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng mình cống hiến trong đời binh nghiệp.
Đầu năm 1969, khi chiến trường miền Nam đến giai đoạn khốc liệt, chàng trai 17 tuổi quê Hải Hậu, Nam Định tham gia nhập ngũ. Sau nhiều tháng tham gia huấn luyện tại đảo Cát Hải, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, ông cùng 50 chiến sĩ khác được điều động vào chiến trường miền Nam, nơi đóng quân là tỉnh Quảng Ngãi. “Lòng căm thù giặc luôn sôi sục trong những thanh niên chúng tôi thời đó nên trong quá trình huấn luyện, rất nôn nóng sớm vào miền Nam để cùng quân, dân đánh đuổi quân thù”, ông Đỉnh chia sẻ.

Ngày 25-2-1971, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được thành lập tại Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị vừa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Đây là đơn vị đặc công hậu cứ của Quân khu 5, có nhiệm vụ hoạt động tác chiến từ đèo Hải Vân - vịnh Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà; tác chiến tiêu diệt sinh lực cao cấp của địch, phá hủy các phương tiện chiến tranh, phương tiện giao thông vận tải, khu cầu cảng trong vịnh Đà Nẵng, khu hải quân, các trạm ra-đa trên bán đảo Sơn Trà. Bản thân ông Đỉnh vinh dự là một chiến sĩ của tiểu đoàn.

Trong gian khổ, khó khăn, ác liệt nhưng với tinh thần, ý chí quyết tâm sắt đá của người lính; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; cùng sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 đã đánh hàng chục trận gồm cả dưới nước, trên cạn, tiêu diệt  hàng trăm tên địch, đánh chìm nhiều tàu vận tải quân sự, đánh sân bay Xuân Thiều, kho xăng Liên Chiểu; phá hủy hàng chục vạn tấn hàng hóa, xăng dầu, phương tiện chiến tranh của địch. Bản thân ông Đỉnh cũng có những đóng góp quan trọng vào những chiến công của tiểu đoàn, nổi bật là trinh sát và đánh vào kho xăng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, bản thân ông nhiều lần tham gia hỗ trợ lực lượng để thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào các cứ điểm của địch...

Tháng 4 năm 1975, các mặt trận tại chiến trường miền Nam thắng lớn. Ngày 11-4-1975, ông Đỉnh cùng 50 chiến sĩ khác của Tiểu đoàn 471 nhận lệnh lên đường giải phóng quần đảo Trường Sa. Với tinh thần  “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, phải giải phóng từng tấc đất mà ông cha để lại nên những người lính được phân công đều thể hiện quyết tâm cao. 51 chiến sĩ đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471 cùng có sự góp mặt của hơn 50 cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị khác được phân công giải phóng đảo Sơn Ca - một phần máu thịt của quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Để thoát khỏi vòng vây của tàu chiến, máy bay địch, những người lính tham gia giải phóng Trường Sa ngụy trang dưới những chiếc tàu đánh cá. “Cả ngày chúng tôi ở dưới boong tàu ngột ngạt, ban đêm leo lên mạn tàu để hít thở không khí. Với sự mưu trí, khôn ngoan của những người lính dày dạn kinh nghiệm, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, thoát nhiều vòng vây địch, đảo Sơn Ca cũng ẩn hiện trước mắt”, ông Đỉnh nhớ lại.

Đúng 3 giờ sáng ngày 25-4-1975, đảo Sơn Ca được giải phóng hoàn toàn. Đoàn giải phóng đảo Sơn Ca giải giáp vũ khí, tiếp nhận những người lính đầu hàng và sau ít ngày, đã bàn giao lại cho đơn vị tiếp quản. Trong thời điểm này, nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng được giải phóng. Sau khi đảo Sơn Ca được ổn định, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 471 nhận lệnh trở về đất liền. Nhớ lại thời khắc lịch sử, ông Đỉnh xúc động: “Trên đường đi, trưa 30-4, nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính đặc công ai nấy mừng rỡ, ôm nhau khóc. Đoàn quân giải phóng đảo Sơn Ca được chở về cảng Cát Lái, Sài Gòn để dự lễ mừng đất nước giải phóng. Chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước, tôi rất tự hào, xúc động. Chúng tôi cũng khóc cho những đồng đội không thể chứng kiến ngày đất nước hòa bình”.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, người lính đặc công Khổng Duy Đỉnh xin phục viên và về Đà Nẵng sinh sống với vợ con. Sau một năm làm Xã đội trưởng xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang (cũ), ông xin về làm tại công ty công nghiệp hóa chất cho đến khi nghỉ hưu. Trở về địa phương, ông tiếp tục tham gia và có những đóng góp không nhỏ cho khu dân cư, như phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội cựu chiến binh...

Nhận được tin những người lính từng tham gia giải phóng Trường Sa được thăm lại “chiến trường xưa”, cựu binh Khổng Duy Đỉnh xúc động, không kìm được nước mắt. “Đã 49 năm trôi qua, chúng tôi ao ước được trở lại thăm Trường Sa, nơi gắn với ký ức, kỷ niệm và đã được Đảng, Nhà nước, thành phố đáp ứng nguyện vọng. Tiếc rằng, trong chuyến công tác vừa qua, đoàn chúng tôi không ghé lên thăm đảo Sơn Ca vì tác động của sóng lớn, tàu không cập bến được. Dù chỉ được ngắm nhìn từ xa hòn đảo xinh đẹp, tôi tự hào khi Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng, các thế hệ sau đã bảo vệ, gìn giữ vững chắc”, ông Đỉnh xúc động nói.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.