70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ

.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Hàng vạn dân công đã tham gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Hàng vạn dân công đã tham gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm

Ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành 3 đợt trong gần hai tháng.

Từ ngày 13-3 đến ngày 17-3-1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng bắc và đông bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.

Từ ngày 30-3 đến ngày 26-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm 1/2 tổng số quân địch ở phân khu bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía đông, diệt một số cứ điểm phía tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 6-5-1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công.

Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu nam, đánh địch tháo chạy về thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Chia lửa chiến trường

Những năm 1953-1954, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giữ vững chiến trường, ra sức xây dựng vùng tự do và miền núi, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh vùng tạm chiếm, bền bỉ chống các âm mưu chiêu an, lập tề... Nhiều cán bộ tiêu biểu được tôi rèn từ thực tế trận địa, xuất thân trong gia đình cách mạng được tổ chức cử tham gia các đoàn quân Tây Tiến, được đưa ra miền Bắc tham gia trực tiếp vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Đoàn thanh niên tỉnh đã vận động 2.500 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, 1.165 thanh niên tham gia vào đội công tác phục vụ chiến đấu, hơn 10.000 thanh niên tham gia đi dân công phục vụ chiến trường... Trên khắp chiến trường, lực lượng đoàn viên - thanh niên đã cùng bộ đội địa phương tham gia chiến đấu dũng cảm.

Trong khi đó, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của quân và dân Liên khu 5 là kìm chân địch ở Tây Nguyên, đồng loạt đánh vào vùng sau lưng địch tại các vùng duyên hải như Đà Nẵng, Quảng Nam, Tuy Hòa, Nha Trang... nhằm phá tan âm mưu đánh chiếm Bình Định trong giai đoạn 2 cũng như đánh chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam trong giai đoạn 3 của chiến dịch Át-lăng.

Vì Điện Biên Phủ, khẩu hiệu hành động chung cho toàn Liên khu 5 là “Tất cả cho chiến thắng” đã tạo nên phong trào nổi dậy của toàn quân dân đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của địch. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, với thế trận chiến tranh nhân dân, ta đánh địch khắp nơi, tiêu diệt nhiều sinh lực địch...Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, trước sự tấn công dồn dập cả quân sự, chính trị, binh vận của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, địch hoàn toàn rơi vào thế cô lập.

Nhiều đồn bót của địch chỉ cách Đà Nẵng vài chục cây số về phía nam phải tiếp tế bằng máy bay, bộ máy địch tan rã ở nhiều nơi. Để cứu vãn tình hình, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại miền Trung đã điều động một lực lượng cơ động từ chiến trường Tây Nguyên quay về Đà Nẵng. Chúng tập trung bốn đại đội khinh binh, ba đại đội thủy quân cơ giới, ba đại đội công binh với hơn 800 tên, 110 xe cơ giới, 10 ca nông và nhiều trọng đại liên mở cuộc “Hành quân Con báo” phá vùng du kích Điện Bàn, chiếm lại cứ điểm Bồ Bồ (Điện Tiến, Điện Bàn) nhằm giải tỏa, tiếp tế cho quân địch ở Ái Nghĩa, Phong Thử trên đường 100, củng cố tuyến phòng thủ nam bắc sông Cẩm Lệ, bảo vệ Đà Nẵng. Trước đó, ngày 9-6-1954, các đơn vị bộ đội địa phương Điện Bàn đã mở cuộc tập kích lần thứ nhất vào cứ điểm Bồ Bồ, tiêu diệt toàn bộ bọn địch ở đây thu được 1 khẩu pháo 57 ly.

Căn cứ tình hình thực tế trên chiến trường, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định lợi dụng yếu tố bất ngờ, dùng chiến thuật tập kích đánh địch ngay khi chúng vừa đặt chân đến Bồ Bồ để diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bẻ gãy cuộc hành quân của chúng, bảo vệ cơ sở, tài sản và tính mạng của nhân dân. Chấp hành chủ trương ấy, công tác chuẩn bị được khẩn trương tiến hành. Nhân dân các xã Điện Hồng, Điện Tiến, Điện An, Điện Hòa tham gia đắp đường, hăng hái đi dân công phục vụ tiền tuyến. Khẩu hiệu hành động lúc này là “Tất cả cho chiến thắng”, ta đã huy động 500 dân công hỏa tuyến, 650 dân công thu chiến lợi phẩm. Ngoài ra, còn một số dân công khác cũng được bố trí cách trận địa 1.500m sẵn sàng chi viện cho chiến trường.

Đúng 0 giờ 30 ngày 19-7-1954, ta bắt đầu khai hỏa nã đạn vào các điểm cao của địch ở cứ điểm Bồ Bồ. Hỏa lực vừa dứt thì các mũi tiến công của ta đồng loạt ào lên đánh chiếm các vị trí, chia cắt đội hình địch... Pháo địch từ Giồng Ngang và đồi Sùng Công bắn chặn đường tiến. Nhưng, các chiến sĩ của ta vẫn kiên trì bám sát trận địa, dũng cảm đánh chiếm sân bay, tràn vào khu trung tâm... Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của ta, địch đành phải bỏ chạy. Nhân dân và du kích Điện Bàn vây chặt, không cho tên nào chạy thoát. Kết quả, ta đã diệt 159 tên địch, bắt sống 293 tên, thu 142 súng từ tiểu liên đến đại liên. Cuộc hành quân của địch nhằm chiếm lại cứ điểm Bồ Bồ đã bị thất bại hoàn toàn.

Chiến thắng Bồ Bồ đã góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 20-7-1954. Chiến thắng Bồ Bồ mãi mãi đi vào lịch sử như một “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp.

LÊ HÙNG
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975)

;
;
.
.
.
.
.