ĐNO - Chiều 31-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ 11 về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và một số nội dung khác.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG |
Nhiều góp ý quan trọng
Cùng thảo luận với tổ có đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La nhất trí cao với mục tiêu của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Qua đó, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại nghị quyết; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho sự phát triển của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhất trí cao với thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu cho rằng, cử tri Đà Nẵng mong muốn Quốc hội xem xét, sớm thông qua nghị quyết này trong 1 kỳ họp theo chương trình rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố thực hiện và làm tốt hơn mô hình chính quyền đô thị đã được quy định trong Hiến pháp.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn đại biểu Tây Ninh cho rằng, ngoài việc giao nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cần phải cho phép đặc thù về quy trình thủ tục, thậm chí giao cho UBND thành phố được quy định một số thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, với lộ trình được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, có những chính sách chưa kịp áp dụng ở địa phương khác, như vậy thời gian hấp thụ ít nhất là 2 năm, thời gian còn lại để đánh giá thì chưa đủ cơ sở để đánh giá; nếu không thể kéo dài hơn giai đoạn để thực hiện đặc thù thì cần có định hướng trong nghị quyết, để địa phương có thể xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm, 10 năm...
Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung cụm từ “hệ thống siêu máy tính trung tâm dữ liệu” tại điểm b, khoản 1, Điều 12 của nghị quyết nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển; tăng cường sự liên kết giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học trên lĩnh vực này; đồng thời tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển thành phố, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế hiện nay.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 12, quy định về điều kiện các nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các điều kiện để hưởng các chính sách ưu đãi, cần phải bổ sung thêm 2 điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đó là bổ sung thêm việc “có cam kết bằng văn bản hợp tác với doanh nghiệp địa phương” nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; bổ sung “cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, về hồ sơ tài liệu đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các căn cứ rất rõ ràng; nội dung của dự thảo nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương; bảo đảm tính khả thi, bảo đảm thực hiện được trên thực tế. Tuy nhiên, so với Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, còn thiếu lĩnh vực quan trọng là y tế nên cần phải bổ sung.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cảm ơn các ý kiến góp ý, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo nghị quyết; tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý để làm rõ, hoàn thiện hơn nội dung.
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Động lực mới để Đà Nẵng phát triển
Bí thư Thành ủy cho biết, sau một thời gian dài phát triển, Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW là trở thành trung tâm của vùng và cả nước, thậm chí định hướng phát triển thành phố đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tổng kết 5 năm, rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đặt ra, Đà Nẵng chưa đạt được; nếu không có cơ chế đột phá, đặc thù thì Đà Nẵng sẽ khó đạt được.
Hiện nay, dư địa để phát triển, nhất là dư địa về đất đai có những hạn chế nhất định. Vì vậy, Đà Nẵng định hướng vào phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa khọc công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đây là những động lực mới cho tăng trưởng xanh cũng như giữ gìn môi trường của thành phố, phục vụ những mục tiêu lớn hơn, như phát triển du lịch bền vững.
Dự thảo nghị quyết có 30 chính sách thì có 25 chính sách cơ bản tiếp thu, hoàn thiện các chính sách của các địa phương khác; 5 chính sách mới, có 2 chính sách đáng quan tâm và mạnh dạn đề xuất, được Bộ Chính trị đồng ý. Một là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần "dám nghĩ dám làm" của Đà Nẵng trong việc thử nghiệm một mô hình mà được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ và thực tiễn ở Việt Nam.
Hai là phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo - là một trong những điểm mới so với nhiều chính sách của các địa phương khác.
Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đang đặt ra là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách sẽ tập trung vào lĩnh vực người Việt Nam có thế mạnh như thiết kế chip bán dẫn và chip AI; đưa ra nhiều cơ chế để thu hút tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về đầu tư.
Theo Bí thư Thành ủy, thành phố không dựa vào nguồn lực Trung ương mà sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu. Ảnh: VŨ HƯNG |
Nhiều ý kiến góp ý về cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng
Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tại các tổ thảo luận, thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Góp ý một số nội dung cụ thể, đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố Đà Nẵng cần bổ sung dự án hệ thống siêu thị máy tính và dự án trung tâm dữ liệu. Điều này nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, tăng khả năng cạnh tranh cho thành phố Đà Nẵng; đồng thời, hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ và tạo việc làm.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng hoàn toàn tán thành việc bổ sung các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm tại dự thảo nghị quyết này. Theo đại biểu, việc phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, đòi hỏi nhiều tới sự đầu tư và quan tâm từ mọi cấp chính quyền, từ Trung ương tới Đà Nẵng.
Liên quan đến quy định về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13), đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, trong bối cảnh Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Trung ương đặt ra và vươn lên thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực miền Trung, đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do". Đây là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.
Lý giải cho đề xuất này, đoàn đại biểu Cà Mau cho biết: Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng. Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: PV |
Ngoài ra, việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế.
Cũng theo đại biểu, khu thương mại, tài chính tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, những nơi có các khu vực tài chính phát triển mạnh mẽ.
NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG