"Dân vận khéo" thúc đẩy giải phóng mặt bằng

.

Thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều dự án động lực, trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển thành phố. Để các dự án triển khai kịp thời, đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất quan trọng, đòi hỏi cả hệ chống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, đặc biệt là triển khai công tác “dân vận khéo”.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn tiếp công dân tại UBND xã Hòa Sơn để giải quyết các kiến nghị của dân liên quan đến dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Ảnh: N.P
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn tiếp công dân tại UBND xã Hòa Sơn để giải quyết các kiến nghị của dân liên quan đến dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Ảnh: N.P

Bài 1: Chú trọng công tác dân vận chính quyền

Để thực hiện tốt công tác dân vận, vai trò người đứng đầu hết sức quan trọng, thể hiện bằng cách trực tiếp tiếp dân, đi thực tế cơ sở để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân, tạo sự đồng thuận để họ bàn giao mặt bằng.

Gỡ vướng kịp thời nhờ tiếp dân

Trong hai tháng qua, để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B và cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn thường xuyên tổ chức tiếp dân tại các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Liên. Ngày 11-5, tại buổi tiếp công dân xã Hòa Sơn, người dân nêu nguyện vọng về nâng giá đền bù công trình xây dựng, hoa màu, cây trồng, hỗ trợ thêm kinh phí để ổn định cuộc sống. Căn cứ quy định cụ thể, các ban, ngành giải thích cặn kẽ, Chủ tịch UBND huyện kết luận các vấn đề thuộc thẩm quyền trên tinh thần có lợi cho người dân.

Sau khi được lãnh đạo huyện lắng nghe, giải thích “thấu tình đạt lý”, người dân đồng tình ký vào biên bản, thống nhất bàn giao mặt bằng. “Đời sống còn khó khăn nên mong muốn được đền bù thêm một ít kinh phí để trang trải cuộc sống. Được lãnh đạo huyện giải thích cặn kẽ cũng như được nhận thêm sự hỗ trợ, gia đình tôi vui vẻ để bàn giao mặt bằng cho dự án”, bà T. (công dân xã Hòa Sơn) chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, những năm qua, hàng trăm dự án có nguồn vốn từ Trung ương, thành phố và huyện được triển khai trên địa bàn. Áp lực lớn nhất cho địa phương là công tác GPMB, đền bù giải tỏa. Nhận thức được tầm quan trọng của việc các dự án hoàn thành sớm sẽ là động lực để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và thành phố, lãnh đạo huyện tập trung công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại. “Có những ngày tiếp công dân đến 20 giờ tối mới kết thúc. Qua công tác tiếp công dân, lãnh đạo địa phương luôn lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của người dân trên tinh thần có lợi cho dân; những trường hợp vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị thành phố để kịp thời giải quyết”, ông Anh chia sẻ.

Ghi nhận tại các địa phương có nhiều dự án động lực, trọng điểm đang triển khai, công tác tiếp công dân được chính quyền chú trọng, đặt lên hàng đầu. Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) Nguyễn Duy Phương cho biết, có 6 dự án lớn đang triển khai tại địa phương, trong đó dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan qua địa bàn có chiều dài 6,1km. Để cùng toàn huyện triển khai thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, Đảng ủy, HĐND, UBND bên cạnh chỉ đạo hệ thống chính trị từ xã đến các thôn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết chủ trương thành phố, tiến độ thực hiện thì chú trọng đến công tác tiếp công dân.

Ngoài tổ chức tiếp công dân định kỳ ít nhất 3 ngày/tuần, lãnh đạo địa phương tiến hành tiếp công dân tại các dự án. Đối với những trường hợp già yếu không đến UBND xã được, chính quyền địa phương đến tận nơi tiếp và chi trả chế độ khi người dân đã đồng thuận. “Với những cách làm đó, người dân có sự đồng thuận cao, địa phương đã giải tỏa được 4,2km và đang nỗ lực triển khai 1,9km còn lại để kịp bàn giao theo đúng quy định”, ông Phương nói.

Phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) có 9 dự án lớn đang triển khai. Dự án Làng Đại học Đà Nẵng giai đoạn 1 có 41ha với 760 hồ sơ nhà ở, đất đai, gần 1.600 hồ sơ mồ mả; đồng thời có nhà thờ, chùa, đình làng... Ngày 24-4, để hoàn thành và bàn giao mặt bằng dự án theo thời gian như cam kết, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Ngô Thanh Trà tiếp, đối thoại với đại diện tộc Lưu và Nguyễn Vinh. Hai tộc có mộ tiền hiền nằm trong dự án đã đồng thuận chủ trương bàn giao nhưng còn gặp khó về kinh phí di dời.

Theo đại diện hai dòng tộc này, nắm được chủ trương, lợi ích dự án mang lại, người dân sẵn sàng di dời toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn đến nơi ở mới, bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, vấn đề di dời mộ gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Rất nhiều buổi đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền địa phương và người dân trong tộc được tổ chức. Chính quyền đã rất nhiệt tình giải quyết bất kể giờ giấc; ghi nhận, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết hài hòa đúng quy định và nguyện vọng của nhân dân. “Đến nay, hơn 750 hồ sơ nhà, đất, gần 1.600 hồ sơ mồ mả được người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng sạch theo đúng kế hoạch đề ra để tái khởi động dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Đó là sự nỗ lực, kiên trì suốt thời gian dài của chính quyền từ lãnh đạo quận đến phường”, ông Trà nói.

Chú trọng vận động

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Hữu Dũng cho biết, năm 2023 đến nay, địa phương có 6 dự án đã và đang triển khai. Để kịp thời giải phóng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, phường thành lập Ban vận động do phó bí thư thường trực đảng ủy làm trưởng ban; UBND phường thành lập tổ hỗ trợ pháp lý và tổ vận động tại hiện trường. “Những trường hợp chưa thống nhất bàn giao, mặt trận, đoàn thể cũng như quân, dân chính khu dân cư vào cuộc nắm thông tin; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị cấp trên có phương án giải quyết”, ông Dũng cho hay.

Theo ông Ngô Thanh Trà, những tháng đầu năm 2024, địa phương chủ yếu tập trung vào dự án Làng Đại học. Là thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng quận nên khi có chủ trương, địa phương thông tin cho người dân; tuyên truyền các chính sách, quy định của thành phố liên quan đến giải tỏa đền bù. Đi đôi với đó, UBND phường thành lập 2 tổ vận động, chia các tổ đi đến hộ dân để nắm bắt những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, báo cáo cho UBND quận và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh tiếp dân, theo ông Mai Niên, việc triển khai một số dự án bảo đảm tiến độ trước hết do xây dựng phương án sát với tình hình thực tế; quy trình giải tỏa đền bù thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, nhất là việc công khai minh bạch chủ trương giải tỏa, đền bù; phương án phê duyệt chi tiết hồ sơ từng cá nhân được người dân tiếp cận nhanh. Đặc biệt, UBND quận chỉ đạo làm tốt công tác dân vận trong nhân dân từ quận đến phường, đến khu dân cư, thậm chí đến tộc họ.

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn quận Liên Chiểu đã và đang thực hiện công tác GPMB đối với 49 dự án. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho biết, bên cạnh công tác đối thoại, tiếp công dân, UBND quận phân công cụ thể trách nhiệm của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND quận phụ trách từng dự án. Hằng tuần, tổ chức các cuộc họp tiếp dân, họp hội đồng bồi thường để giải quyết các vướng mắc và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là các dự án động lực, trọng điểm.

UBND quận thành lập các tổ công tác vận động từng dự án, giao cho ban GPMB quận phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND các phường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, tập trung nhân lực đi đến từng nhà, nắm bắt tình hình người dân tại nơi giải tỏa để tiến hành tổ chức tuyên truyền, vận động hỗ trợ trong công tác GPMB tại các dự án.  UBND phường ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ cho từng lãnh đạo UBND phường phụ trách các dự án khác nhau; thành lập tổ vận động bàn giao mặt bằng của các dự án với thành phần gồm lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban MTTQ,  UBND, các hội, đoàn thể, ban, ngành của phường và cấp ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận và tổ trưởng tổ dân phố khu dân cư nơi có dự án triển khai.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.