Phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác dân vận góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết nhiều khó khăn, bức xúc từ cơ sở, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.
Người dân hiến đất, hiến ngày công và tiền của để hoàn thiện hạ tầng giao thông thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, là điểm sáng trong công tác dân vận ở huyện Hòa Vang. Ảnh: PV |
Câu chuyện ông Nguyễn Văn Thể, “nhà tài trợ kim cương” ở thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), mỗi lần về thôn này đều được mọi người nhắc đến. Sau mỗi lần về nhà ngoại (cùng thôn) dự đám giỗ, phải đi vòng lên con đường dốc rất khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Chứng kiến cảnh các cháu học sinh trong xóm đi qua về lại rất nguy hiểm, nên ông Thể quyết định đề xuất xin chủ trương của thôn để hạ cốt nền con đường liên tổ này. Chi bộ, ban nhân dân thôn xin chủ trương từ xã, rồi vận động người dân trong tổ cùng góp sức triển khai công trình có kinh phí xây dựng gần 80 triệu đồng, trong đó ông Thể ủng hộ 70 triệu đồng, người dân hai bên đường ủng hộ ngày công xây dựng. Sau thời gian ngắn, con đường mới hoàn thành, giúp người dân đi làm an toàn, đường sạch, thông thoáng.
Cũng ở thôn Phú Hòa 1, nhờ công tác vận động hiệu quả, tuyến đường liên tổ trong thôn đoạn qua tổ 3 bị hẹp, xuống cấp, ngập úng mùa mưa và không có điện chiều sáng (đoạn trong hầm chui qua đường 14B), người dân 2 bên đường đã đồng thuận hiến đất, hiến ngày công, hiến vật chất để mở rộng, làm đường, thảm bê-tông nhựa, mắc bóng đèn chiếu sáng giúp cho việc đi lại thuận tiện, an toàn. Bí thư chi bộ thôn Phú Hòa 1 Đinh Thị Tiền cho rằng, những kết quả đó nhờ cả hệ thống chính trị thôn vào cuộc đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”. Cuộc vận động được các hội, đoàn thể và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, cũng như phát huy quyền làm chủ của người dân theo phương châm nói dân biết, biết dân làm, làm dân theo.
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nhơn Phan Thị Thu Hồng cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua trên địa bàn xã đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, có tính chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Qua đó tạo động lực để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.
Tại Hòa Vang, hiện đang triển khai các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, như “Thứ Bảy, ngày nông thôn mới - Ngày về với nhân dân” được 11 xã đồng loạt nhân rộng (xuất phát từ thành công của xã Hòa Bắc). Mô hình “Tộc họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc” do Công an xã phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cùng thực hiện (xuất phát từ thành công của xã Hòa Nhơn), hiện được nhân rộng tại các xã Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Tiến. Hay mô hình “Giáo họ bình yên, gia đình hạnh phúc” được nhân rộng đến các xã Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Sơn (xuất phát từ sự thành công của xã Hòa Sơn). Mô hình “Vận động toàn dân treo ảnh Bác Hồ” đã được nhân rộng triển khai đến 11 xã toàn huyện (xuất phát thành công từ xã Hòa Bắc)…
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng chia sẻ, hàng năm, Ban Dân vận Huyện ủy triển khai kế hoạch, phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để các cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân đăng ký thực hiện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng mô hình bảo đảm tính định hướng, lựa chọn nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp, qua đó huy động sức mạnh của nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các cuộc vận động. Việc xây dựng mô hình tùy vào từng lĩnh vực, tập thể, cá nhân để việc triển khai phù hợp và hiệu quả nhất. “Năm 2023, toàn huyện có 15 cơ quan đăng ký xây dựng 102 mô hình “Dân vận khéo”, đến nay có 12 mô hình được công nhận cấp cơ sở. Năm 2023, huyện triển khai 8 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp thành phố và 3 mô hình tiêu biểu cấp huyện với tổng kinh phí triển khai gần 500 triệu đồng. Đến nay, các mô hình triển khai bảo đảm nghiêm túc, bước đầu cho một số kết quả tích cực, như mô hình treo ảnh Bác Hồ, đã có 11 xã triển khai với gần 30.000 hộ dân thực hiện treo ảnh Bác tại nơi trang trọng trong nhà”, ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, cùng với kết quả đạt được, không tránh khỏi những hạn chế vướng mắc trong quá trình triển khai, như còn tình trạng lúng túng ở cấp cơ sở do chưa có hướng dẫn cụ thể, cách thức đánh giá kết quả; vướng mắc quy định về nguồn thu, vận động kinh phí từ nhân dân, đảng viên, công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí vận động trong mô hình “10 ngàn - vạn yêu thương”, mô hình “vận động các nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo”. Thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả và hướng về cơ sở. Đặc biệt, quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả và kịp thời khen thưởng, biểu dương điển hình tiên tiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân.
TRỌNG HUY