Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý các dự thảo luật

.

Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ số 11 cùng đại biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này. Theo Bí thư Thành ủy, để luật sớm đi vào cuộc sống, có lợi cho người dân thì hoàn toàn đủ niềm tin để triển khai. Theo thống kê, trong Luật Đất đai có 260 điều thì chỉ có 97 điều giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, còn lại gần 200 điều có thể có hiệu lực ngay. Vì vậy, nếu triển khai thực hiện sớm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên sẽ có lợi. Bí thư Thành ủy dẫn chứng, với các công trình, dự án cấp bách như hiện nay, nếu người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách mới về bồi thường, họ đều trông chờ vào chính sách mới.

Về tính hiệu lực, hiệu quả khi thông qua luật, Bí thư Thành ủy thống nhất quan điểm nêu trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “giao Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của luật, nhận diện rõ đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc để có thể phát sinh hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp của luật và chủ động với các giải pháp khắc phục...”.

Qua đây, Bí thư Thành ủy tin tưởng khi Chính phủ đã chuẩn bị và đề xuất thì Chính phủ phải có phương án tốt. Bên cạnh đó, nếu Quốc hội thông qua Chính phủ sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các địa phương có các hướng dẫn thi hành phù hợp. Thực tiễn cho thấy khi luật chưa đi vào cuộc sống thì các hướng dẫn có thể không sát với thực tiễn nhưng khi luật đi vào cuộc sống, sẽ phát sinh những vấn đề thực tiễn và hướng dẫn đáp ứng phù hợp. Vì vậy, Chính phủ nên tiếp thu ý kiến của Quốc hội, cũng như báo cáo thẩm tra phải có các báo cáo giải trình, cam kết như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh tán thành sự cần thiết việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, sớm đi vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, qua đó khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đại biểu cho rằng, có nhiều điểm mới có lợi cho người dân, thuận lợi cho cơ quan quản lý ở địa phương. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, các bộ phải ban hành sớm và bảo đảm chất lượng.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận ở tổ 11, cùng đại biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La. Các đại biểu của tổ thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành các luật nói trên nhằm phù hợp điều kiện và thực tiễn hiện nay.

N.PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.