Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

.

Để đón đầu cơ hội trong phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đà Nẵng, ngành đối ngoại thành phố chủ động, tích cực quảng bá, kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác. Qua đó, góp phần đưa thành phố tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng vi mạch, bán dẫn trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Ra mắt Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ. Ảnh: T.P
Ra mắt Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ. Ảnh: T.P

Tăng tốc trên đường đua vi mạch, bán dẫn và AI

Hiện nay, những nước có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI phát triển hàng đầu thế giới đều có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chính vì vậy vai trò của ngoại giao rất quan trọng trong tìm kiếm thêm cơ hội phát triển cũng như huy động các nguồn lực quốc tế trong việc phát triển. Đón đầu cơ hội này, Sở Ngoại vụ chủ động nghiên cứu, phối hợp các đơn vị liên quan, tham mưu cho thành phố thành lập tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ. Tổ công tác vừa ra mắt vào ngày 25-6, thể hiện rõ tính quốc tế hóa, năng động của thành phố trong hội nhập quốc tế.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình, Tổ phó thường trực Tổ công tác chia sẻ, việc thành lập tổ công tác thể hiện mong muốn của hai bên trong việc đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Đà Nẵng và Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Hai bên sẽ tập trung phát triển 6 lĩnh vực như: công nghiệp vi mạch, bán dẫn, AI, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; giáo dục; y tế; xúc tiến đầu tư và du lịch.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Tổ công tác là minh chứng cho tầm nhìn chung và cam kết giữa hai bên trong việc phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Bà hy vọng hai bên sẽ xây dựng nhóm làm việc chung hiệu quả, thành công, làm nền tảng cho mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Đà Nẵng. Đồng thời, nhanh chóng triển khai biên bản ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với Đà Nẵng về đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng để phát triển xanh.

Đầu năm 2024, Sở Ngoại vụ thành phố tham mưu cho UBND thành phố tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024” với chủ đề “Hợp tác vì phát triển và thịnh vượng”. Đây là sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, thế mạnh và sự sẵn sàng của Đà Nẵng trong hội nhập quốc tế, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư trong các lĩnh vực mới như công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI… Tại sự kiện, Đà Nẵng đã ký kết nhiều thỏa thuận với các cơ quan quốc tế, doanh nghiệp như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel.

Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương chia sẻ, gần đây thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá những thế mạnh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI đến nhiều đối tác nước ngoài. Đặc biệt, sau chuyến công tác tại Hoa Kỳ và một số nước của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (tháng 11-2023), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (tháng 3-2024), Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (tháng 5-2024), 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đón 20 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố. “Chúng tôi tập trung vào các thị trọng điểm như Hoa Kỳ để mời gọi, thu hút các công ty chuyên về thiết kế vi mạch bán dẫn đến đặt văn phòng tại Đà Nẵng. Đối với các công ty chuyên về lắp ráp, kiểm thử, đóng gói (ATP), chúng tôi kêu gọi các đối tác tiềm năng như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đến xây dựng nhà máy hoặc thuê nhà xưởng tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố”, bà Phương nói.

Điểm đến đầy triển vọng

Với mục tiêu đưa ngoại giao kinh tế trở thành trung tâm của đối ngoại, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Sở Ngoại vụ luôn làm tốt công tác tham mưu, chủ động kết nối và thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan lồng ghép các lĩnh vực mà thành phố đang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài vào nội dung làm việc để lãnh đạo thành phố trao đổi với các đối tác nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI đến với thành phố.

Tại sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư; trong đó, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Hơn nữa, thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai. Thành phố đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và AI.

Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, việc tiếp cận và thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và AI đạt nhiều kết quả tích cực. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) Lê Hoàng Phúc cho biết, hiện nay Tập đoàn Marvell thông tin quyết định mở văn phòng tại Đà Nẵng với quy mô  lên đến 200 kỹ sư; Công ty đào tạo thiết kế vi mạch Savartir thông tin về việc chuyển toàn bộ chi nhánh văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng; Công ty bán dẫn và lõi IP Mixel (Mỹ) đang hoàn tất các thủ tục thành lập công ty tại Đà Nẵng với quy mô lên đến 100 kỹ sư. Một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ dự định mở văn phòng tại Đà Nẵng như Tập đoàn Qualcomm, Công ty Hyphen Deux…

Bên cạnh việc quảng bá, kết nối, thu hút các doanh nghiệp đến thành phố khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư thì thành phố cần phải giữ chân các “đại bàng” ở lại, xây nhà, bám rễ để cùng với thành phố phát triển hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và AI. Để giữ chân các “đại bàng”, ông Lê Hoàng Phúc nói, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu trong chiến lược đầu tư của mình. Chính vì vậy, Đà Nẵng đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vừa qua, tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn cho 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Hiện, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Hằng năm, có khoảng 5.700 sinh viên tốt nghiệp từ các ngành này. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, vô cùng dồi dào nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Song song đó, Trung tâm DASC đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn, các trường đại học uy tín như Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) trong đào tạo nhân lực ở lĩnh vực lắp ráp, kiểm thử, đóng gói (ATP); Công ty Synopsys trong đào tạo thiết kế vi mạch; Công ty NVIDIA trong đào tạo nhân lực AI.

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Đà Nẵng đang tập trung các nguồn lực xây dựng thí điểm khu thương mại tự do nhằm mời gọi các nhà đầu tư “đại bàng” đến đầu tư, kinh doanh tại thành phố. Bởi khu thương mại tự do được áp dụng một hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Cùng với đó, thành phố chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm số 2 để phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và AI.

Những vấn đề nêu trên cho thấy Đà Nẵng rất sẵn sàng chào đón làn sóng đầu tư trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để những mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác nước ngoài ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, Sở Ngoại vụ là cầu nối rất quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ này, thiết lập mối quan hệ với đối tác mới trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.