Nhờ áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục học viên thông qua nhiều mô hình thiết thực, Cơ sở xã hội Bàu Bàng ngày càng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin cho gia đình và người nghiện ma túy, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng thuận lợi.
Ban lãnh đạo Cơ sở xã hội Bàu Bàng thông qua việc xây dựng các mô hình để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các đợt sinh hoạt của chi bộ, các tổ chức đoàn thể. Gần 4 năm nay, các mô hình giúp nâng cao môi trường, điều kiện rèn luyện thể lực cho học viên, như mô hình xây dựng Ban quản giáo sáng, xanh, sạch, đẹp; phòng đọc sách cho học viên; bảo vệ vành đai an toàn, nói không với thẩm lậu ma tuý vào cơ sở; chăn nuôi gà và trồng dưa lưới trong nhà màng.
Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bàu Bàng cho biết, đơn vị lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc chăm sóc, nuôi dưỡng học viên, quản lý, giáo dục, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, phòng chống thẩm lậu ma túy… Qua đó, mỗi cán bộ, nhân viên đều cam kết, xây dựng kế hoạch thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua công tác dạy nghề và lao động, giúp học viên phục hồi và nâng cao sức khỏe, có ý thức tích cực cai nghiện, tìm được giá trị tích cực của cuộc sống.
Trong khu nhà ở của học viên, những phòng ở khang trang, chăn màn được gấp ngay ngắn, vuông vức. Bên ngoài dãy phòng ở cũng như khắp khuôn viên, chậu hoa, cây xanh được chăm chút cẩn thận. Tất cả là nhờ trung tâm triển khai mô hình xây dựng Ban Quản giáo xanh, sạch, đẹp, hằng tháng đều chấm điểm thi đua và có giải thưởng xanh - sạch - đẹp theo từng đợt phong trào thi đua, vì thế 11 ban của đơn vị luôn cử học viên dọn vệ sinh thường xuyên và giữ gìn cảnh quan, môi trường, phòng ở gọn gàng, sạch sẽ.
Mỗi ngày, các học viên ngoài đến phòng điều trị, rèn luyện thể lực, chơi thể thao còn tham gia lao động sản xuất. Cơ sở hiện có phần diện tích gần 27ha dùng để làm khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau và một khu trồng dưa lưới do một doanh nghiệp đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Với 4 giờ lao động mỗi ngày, việc lao động trị liệu giúp nâng cao thể lực, nằm trong quy trình điều trị cai nghiện, đồng thời sản phẩm nuôi trồng được hỗ trợ thêm trong suất ăn và chi phí cho học viên. Ngoài ra, Cơ sở xã hội Bàu Bàng kết hợp Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng mở 5-6 lớp dạy nghề mỗi năm cho 150-170 học viên. Các lớp nghề tập trung vào dạy nghiệp vụ bán hàng, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, điện ô-tô…, có cấp chứng chỉ trung cấp nghề.
Mô hình phòng đọc sách của đơn vị hiện có hơn 3.000 đầu sách, 4 đầu báo, gồm nhiều thể loại như sách văn học, khoa học tự nhiên, sách pháp luật. Mỗi quý, Phòng Giáo dục-dạy nghề liên hệ Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố mượn khoảng 2.000 đầu sách để bổ sung cho thư viện. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 80.000 lượt học viên mượn sách. Mô hình này được duy trì suốt 10 năm qua.
Cùng với việc điều trị cắt cơn, giải độc, Cơ sở xã hội Bàu Bàng tập trung đổi mới các hoạt động để can thiệp hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho người nghiện phục hồi sức khỏe, phòng tránh tái nghiện. Việc bảo đảm vành đai an toàn cho toàn đơn vị, phòng tránh việc thẩm lậu ma túy, trốn trại, được cơ quan chức năng đánh giá là một trong số ít các trung tâm “sạch” nhất về ma túy. Học viên đang cai nghiện, sau khi trải qua thời gian cắt cơn được trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy và HIV/AIDS, cách phòng các bệnh xã hội và các lưu ý chăm sóc sức khỏe trước khi được phân về các ban để điều trị.
Trưởng phòng Giáo dục - dạy nghề Phan Thị Thu Thủy nhấn mạnh, mỗi cán bộ đều làm việc với tinh thần vừa là người thầy, vừa là người bạn, người cố vấn cho học viên để khích lệ giúp họ tháo gỡ khó khăn trong quá trình điều trị nghiện, có tâm lý và tư tưởng thoải mái, không có cảm giác bị kỳ thị. Trong quá trình khám, chăm sóc sức khỏe, cán bộ y tế thường xuyên quan tâm, tư vấn, trị liệu tâm lý giúp học viên ổn định tư tưởng, phấn đấu rèn luyện học tập và lao động, hướng tới xóa bỏ lệ thuộc vào ma túy.
HOÀNG NHUNG