Sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù tạo tiền đề cho Đà Nẵng phát triển

.

Ngày 31-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: quochoi.vn

 Cần thiết phải xây dựng nghị quyết

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, khoa học.

Về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị đã giao: tổ chức thực hiện việc áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; quy hoạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược cảng hàng không, cảng biển... cho xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước…

Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29-11-2023 của Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14; kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Về căn cứ thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Do đó, cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thành phố nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.

Về mục tiêu xây dựng nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết được xây dựng trên 4 quan điểm

Thứ nhất, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm quán triệt, tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Thứ hai, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có luật điều chỉnh. Thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã đạt kết quả tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương. Việc ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ ba, việc đề xuất các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, tương đồng với các địa phương, được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, nhất là tạo ra động lực mới, đột phá để tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thứ tư, thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

2 nhóm cơ chế chính sách đặc thù và 30 chính sách cụ thể

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, dự thảo nghị quyết bao gồm 3 chương với 18 điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội được xây dựng như sau: quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Liên quan đến các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng gồm 9 chính sách, trong đó có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới. Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, bên phải) cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố dự kỳ họp.  Ảnh: V.H
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, bên phải) cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố dự kỳ họp. Ảnh: V.H

Cần bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW

Thẩm tra dự thảo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng thời gian tới. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Để tuân thủ đúng nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Về quan điểm, nguyên tắc ban hành nghị quyết và phạm vi chính sách, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần lưu ý một số quan điểm, nguyên tắc: Nghị quyết cần tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật; góp phần khơi thông nguồn lực; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước;  bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, song cũng cần khả thi, phù hợp với thực tiễn; phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng. Về nhóm chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 được tiếp tục triển khai, không sửa đổi, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình.

Liên quan đến nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy, các ý kiến cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình và thể hiện cụ thể trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ.

Đối với một số chính sách cụ thể, đa số ý kiến nhất trí bổ sung thêm nhiệm vụ quyền hạn của UBND quận, phường như quy định của dự thảo nghị quyết, đồng thời bổ sung thẩm quyền HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 1-7-2021 (khoản 1 Điều 18).

Về nhóm chính sách:  tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc có bổ sung, mở rộng thêm; một số chính sách mới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí về các nội dung này. Đối với một số chính sách cụ thể, về thu hút đầu tư chiến lược (Điều 12), Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương cần có chính sách mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư, nhất là ở một số lĩnh vực phù hợp đặc thù thành phố Đà Nẵng; song cũng nhận thấy theo dự thảo nghị quyết thì, đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình;  lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút tương đối rộng, điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản. Do vậy, đề nghị đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước để có thêm căn cứ, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định quy mô vốn đầu tư tương ứng với từng loại hình, rà soát danh mục ngành nghề ưu đãi, bảo đảm tính hợp lý, thuyết phục.

Về chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và của cả vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.

Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung sau: khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… Khu thương mại tự do; tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền.

5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố
Theo dự thảo nghị quyết, 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm: Chính sách về quản lý đầu tư (3 chính sách); Chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước (3 chính sách); Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); Chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); Chính sách thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (1 chính sách); Chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (5 chính sách); Chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Trong 21 chính sách nói trên có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.
5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, gồm: 1. Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo nghị quyết). 2. Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics (khoản 4 Điều 11 dự thảo nghị quyết). 3. Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (khoản 4 Điều 14 dự thảo nghị quyết). 4. Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (khoản 3 Điều 14 dự thảo nghị quyết). 5. Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. Giao UBND thành phố quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố (khoản 3 Điều 9 dự thảo nghị quyết).

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI - NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.