Việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết trong điều kiện hiện nay

.

ĐNO - Sáng 18-6, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn, đồng thời, góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Thứ nhất, về vấn đề gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài được quy định tại Điều 5, đại biểu tán thành với phương án 1, bởi vấn đề mở rộng quyền gia nhập công đoàn đối với người lao động là người nước ngoài đã được đặt ra từ lần sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhưng chưa được Quốc hội xem xét, thông qua.

Sau hơn 10 năm thi hành, bối cảnh đất nước hiện nay đã có những thay đổi rõ rệt so với thời điểm xây dựng Luật Công đoàn 2012. Hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), là thành viên của 9/10 Công ước quốc tế cơ bản về lao động; đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tôn trọng và thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO.

Theo đại biểu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quyền tự do hiệp hội của người lao động được mở rộng hơn với việc cho phép ra đời “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, đồng thời, tổ chức này có quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam. Quy định cũng gián tiếp mở ra khả năng cho phép người lao động nước ngoài gia nhập vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 91.603 người lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam, với các công việc như: chuyên gia tư vấn tài chính, luật, kế toán, marketing, giáo viên ngoại ngữ, chuyên gia kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng, năng lượng...

Trên thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi đã phát sinh mâu thuẫn, xảy ra tranh chấp lao động và người lao động là người nước ngoài cũng phát sinh nhu cầu cần được đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tổ chức công đoàn có nhiệm vụ chăm lo, đại diện cho tất cả công nhân lao động, không phân biệt họ là lao động thuộc quốc tịch Việt Nam hay nước nào. Kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay cũng không loại trừ quỹ tiền lương của người lao động là người nước ngoài.

Do vậy, vấn đề cho phép người lao động là người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục được xem xét nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, dự thảo luật quy định tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ tại khoản 3, khoản 4 Điều 26, đại biểu cho rằng, việc đề xuất tăng quyền chủ động của Tổng Liên đoàn Lao động trong công tác cán bộ như trong dự thảo luật là phù hợp.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn; khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn tài chính bảo đảm chi hành chính và chi cho hoạt động phong trào của các cấp công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn.

Thứ ba, về mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định điểm b khoản 1 Điều 29, đại biểu cho rằng về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo cho người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đồng thời, cũng để bảo đảm vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, thi đua trong lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Như vậy, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. 

Tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước là một nội dung quan trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ.

Qua khảo sát tại các công đoàn cơ sở, ở phần lớn công đoàn cơ sở doanh nghiệp, nhiều năm qua, ban chấp hành công đoàn đã công khai cho đoàn viên, người lao động biết danh mục quyền lợi (gồm cả mức chi) hàng năm mà họ được hưởng (ví dụ: thăm hỏi ốm đau, quà Tết, chi cho các ngày lễ 8-3, 20-10, 1-6, Tết Trung thu…).

Nay, nếu giảm kinh phí công đoàn sẽ dẫn đến các phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn.

Trong bối cảnh cạnh tranh công đoàn, việc giảm mức đóng kinh phí công đoàn sẽ làm suy yếu tổ chức. Trường hợp không bảo đảm được kinh phí hoạt động, ngân sách Nhà nước sẽ phải cấp hỗ trợ. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc duy trì tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn cũng chính là chia sẻ với Chính phủ.

Ở nước ta hiện nay, sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các vấn đề như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao thể chế hơn là việc xem xét giảm kinh phí công đoàn.

NGỌC PHÚ – VŨ HƯNG

 

;
;
.
.
.
.
.
.