Ngày 31-5, Vụ Địa phương II (Ban Nội chính Trung ương) phối hợp với Cụm Thi đua III và Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xây dựng và thực hiện văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Thực trạng và giải pháp”. Vụ trưởng Vụ Địa phương II Đoàn Hồng Ngọc và Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh đồng chủ trị buổi tọa đàm. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban nội chính tỉnh ủy tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Đoàn Hồng Ngọc nhấn mạnh, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa, “một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Nguyên nhân tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa ngã trước những cám dỗ về vật chất, tiền bạc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Ông Ngọc cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi như việc xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không muốn tham nhũng như thế nào? Liêm chính là gì, có phải là không tham nhũng, tiêu cực?
Công tác giáo dục liêm chính có phải là những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (các cấp) về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, về không tham nhũng, tiêu cực nói riêng” hay không? Mục tiêu, nội dung, phương pháp của công tác giáo dục liêm chính là gì? Qua đó, đề nghị các đại biểu tham gia góp ý, kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa liêm chính, nhất là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục liêm chính góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng về liêm chính, văn hóa liêm chính, công tác giáo dục liêm chính, đồng thời nêu lên kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính; trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm tốt ở từng địa phương trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về liêm chính, văn hóa liêm chính; công tác giáo dục liêm chính nhằm góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố đề xuất 4 giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính gồm: hoàn chỉnh cơ chế chính sách để cán bộ, đảng viên có thể nói không với tham nhũng, tiêu cực; cán bộ phải có tinh thần thượng tôn pháp luật; cán bộ, đảng viên cấp trên phải liêm chính cho cán bộ, đảng viên cấp dưới noi theo; thường xuyên giáo dục văn hóa liêm chính bằng những câu chuyện người thực việc thực. Bà Trương Thị Hồng Hà, Phó vụ trưởng nghiên cứu tổng hợp (Ban Nội chính Trung ương) nêu lên thực trạng xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính và công tác giáo dục liêm chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như cách làm tốt ở một số nước trong thực hiện về văn hóa liêm chính, giáo dục liêm chính hiện nay.
Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy ghi nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Chánh, kết quả tọa đàm sẽ góp phần làm sáng tỏ quan điểm, nhận thức về liêm chính, văn hóa liêm chính, công tác giáo dục liêm chính, kinh nghiệm tốt; cách làm hay công tác tuyên truyền, giáo dục về liêm chính, thực hành văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc thay đổi tác phong, lề lối làm việc liêm chính, tận tụy phụng sự nhân dân.
TRỌNG HÙNG