Cử tri Đà Nẵng kiến nghị nhiều vấn đề

.

ĐNO - Sáng 2-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Nguyễn Văn Quảng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri với cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tiếp thu ý kiến. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tiếp thu ý kiến. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề nóng

Cử tri các quận đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc soạn thảo và ban hành các nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ về việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bảo đảm các văn bản này không lồng ghép lợi ích nhóm; triển khai thực hiện trong toàn quốc đúng với toàn bộ tinh thần, nội dung luật.

Cử tri phản ánh, vụ án bà Trương Mỹ Lan thành lập hàng trăm doanh nghiệp để huy động vốn trái luật; nhiều nơi khác trong cả nước những năm qua cũng thành lập hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, gian lận thuế nhập khẩu. Vì vậy, Quốc hội cần đưa Luật Doanh nghiệp hiện hành vào diện cần bổ sung, sửa đổi để khắc phục các lỗ hổng, hạn chế gây thất thoát cho Nhà nước.

Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin; nhất là các thông tin xấu, độc, bôi nhọ làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo; ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngành y tế khắc phục tình trạng thiếu một số loại thuốc tại các cơ sở y tế. Bộ Công an, lãnh đạo các cấp, các ngành có giải pháp siết chặt, quyết liệt hơn trong công tác quản lý đối với các nhà tập thể, nhà ở cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ lưu trú và kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm cháy, nổ cao nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra như các địa phương khác trong thời gian qua.

Cử tri đề nghị Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan giám sát và kiểm soát tình hình giá cả trên cả nước, thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là sau khi tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng; đồng thời, có chế tài mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân, hộ tiểu thương, hộ kinh doanh, các hoạt động dịch vụ đầu cơ tăng giá hàng hóa bất hợp lý...

Phát biểu tiếp thu ý kiến, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Nguyễn Văn Quảng cảm ơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri và ghi nhận, tổng hợp xây dựng thành báo cáo để gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện, Chính phủ, các bộ, ngành để kiến nghị, xem xét giải quyết. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị với HĐND, UBND thành phố xem xét, giải quyết và tiến hành giám sát.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và các đại biểu Quốc hội dự buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và các đại biểu Quốc hội dự buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ

Quyết tâm thực hiện thành công nghị quyết mới

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thông tin và nhấn mạnh việc đề xuất để Quốc hội ban hành một nghị quyết mới cho thành phố Đà Nẵng. Trước đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Qua sơ kết 3 năm thực hiện, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đây là mô hình thuận lợi, giúp giảm số lượng người trong bộ máy cơ quan hành chính cấp quận, phường; hiệu lực, hiệu quả được nâng lên; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đi đôi với đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung ương, Bộ Chính trị đặt ra Đà Nẵng chưa đạt được.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, thành phố đã xác định các định hướng cho sự phát triển. Sau khi Thành ủy sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, được sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan Trung ương và Bộ Chính trị, ngày 19-4-2024, Bộ Chính trị đã nghe Ban Kinh tế Trung ương báo cáo; đến ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Trung ương đặc biệt quan tâm, có những định hướng rất cụ thể cho thành phố Đà Nẵng. Trong đó, định hướng Đà Nẵng vẫn là trung tâm kinh tế lớn, phát triển theo hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững... gắn với du lịch dịch vụ chất lượng cao.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ
Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ

Quốc hội đã ủng hộ thành phố trong việc sớm xây dựng và thông qua tại kỳ họp thứ 7 một nghị quyết thay thế cho Nghị quyết số 119/2020/QH14. Theo Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, với sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, vừa qua, Đà Nẵng cùng với các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội và thông qua các phiên thẩm tra của các cơ quan có thẩm quyền, qua thảo luận tổ.

Đến ngày 26-6, Quốc hội thông qua nghị quyết mới cho Đà Nẵng với 2 nhóm vấn đề lớn là chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cho phép Đà Nẵng thí điểm 30 cơ chế, chính sách đặc thù trong vòng 5 năm.

Bí thư Thành ủy mong muốn cử tri thành phố tiếp tục ủng hộ, đồng thuận việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết mới, để chứng minh những vấn đề mà thành phố đề xuất sẽ được tổ chức thành công và có hiệu quả trong thực tiễn ở Đà Nẵng; trên cơ sở đó để nhân rộng ra cho cả nước.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
.