Kỷ niệm về Thầy, một người tử tế, toàn vẹn, một nhân cách lớn

.

Xin nói về Anh, về Thầy - GS.TS Nguyễn Phú Trọng - không phải chỉ về một Tổng Bí thư của Đảng tài đức vẹn toàn, một kiến trúc sư của công cuộc chống “giặc nội xâm” do Đảng ta phát động trong thế kỷ XXI; mà với tôi trong những ngày đau buồn này lại hiện lên rõ nét một CON NGƯỜI, một NGƯỜI ANH, NGƯỜI THẦY viết hoa. Kỷ niệm cứ ùa về càng lúc càng đậm nét.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12-4-2017. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12-4-2017. Ảnh: TTXVN

1. Tôi có cơ may gặp Anh lần đầu tiên vào năm 1992, nhân dịp Phân viện Đà Nẵng (nay là Học viện Chính trị khu vực III) - nơi tôi công tác, triển khai học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Tôi được PGS Lê Văn Khả, Giám đốc Học viện, giao nhiệm vụ ra Hà Nội trực tiếp mời PGS.PTS Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, vào báo cáo Nghị quyết Đại hội VII cho cán bộ, giảng viên của phân viện. Ấn tượng đầu tiên Anh để lại trong tôi là một con người bình dị, khiêm cung, gần gũi, nhưng cũng rất nghiêm túc, cầu thị cùng với những kiến thức sâu rộng trong học thuật. Ngay buổi đầu tiếp xúc, làm việc, ấn tượng về Anh (mà cảm nhận đầu tiên thường rất sâu đậm và có tính chân xác cao) đã cho tôi một niềm tin về “tâm” và “tầm” của một nhân cách lớn, đáng kính trọng. Niềm tin đó càng được vun đắp khi tôi được trực tiếp nghe Anh quán triệt nội dung văn kiện Đại hội VII, trong bối cảnh của sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu...

Chính phong cách trình bày mang tính khoa học và có tính thuyết phục cao của Anh, cộng vào đó là một niềm tin son sắt, cháy bỏng đối với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, thì Anh - trong một thời gian hạn hẹp của kỳ học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng - đã thật sự trao truyền cho những cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trẻ như tôi những tri thức đúng, những niềm tin đúng, động cơ đúng. Chính qua một thời gian ngắn được tiếp cận với Anh đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ báo cáo viên Văn kiện Đại hội VII của Đảng cho các địa phương miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và công tác nghiên cứu, giảng dạy sau đó nói chung của bản thân.

2. Tháng 2 năm 1995, tôi được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép làm nghiên cứu sinh ngắn hạn chuyên ngành Xây dựng Đảng. Với quy định lúc bấy giờ về nghiên cứu sinh ngắn hạn, bản thân nghiên cứu sinh phải tự tìm người hướng dẫn khoa học trên cơ sở được sự chấp thuận của hội đồng khoa học chuyên ngành của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Anh là người đầu tiên tôi tìm đến. Tôi trở thành người học trò trực tiếp của Anh từ đó.

Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp Thầy, được là học trò trực tiếp của Thầy ở giai đoạn chập chững đi vào con đường nghiên cứu khoa học. Những chỉ dẫn có tính phương pháp luận về lý luận chính trị nói chung và lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng của Thầy thời kỳ này đã truyền cho tôi một niềm tin khoa học vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào sự trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, giúp tôi chỉ sau hơn một năm đã hoàn thành luận án về lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là công tác cán bộ ở các tỉnh Tây Nguyên.

3. GS.TS. Nguyễn Phú Trọng là một CON NGƯỜI, một NGƯỜI THẦY, hay một NGƯỜI LÃNH ĐẠO thì mọi hành xử trong công việc và trong cuộc sống đời thường đều in đậm tính nhân văn sâu sắc và nhất quán: Đó là sự bình dị, gần gũi, khiêm cung, quan tâm đến tất cả mọi người, mọi thân phận trong xã hội không phân biệt sang - hèn. Trong những lần được Thầy gọi đến hoặc khi có nhu cầu xin ý kiến của Thầy (mà Thầy chưa bao giờ từ chối) về nội dung luận án, tôi thường đi xe đạp với một quãng đường khá xa, từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Nghĩa Đô) đến trụ sở Tạp chí Cộng sản - 01 Nguyễn Thượng Hiền để gặp Thầy. Thương sự vất vả của học trò, có lần Thầy bảo: “Để mình báo phòng khách cơ quan cho cậu nghỉ lại”, tôi từ chối khéo trong sự rưng rưng xúc động về sự quan tâm rất đời của người Thầy đối với học trò.

4. Có một chuyện mà đến bây giờ và sẽ mãi mãi về sau, khi ngồi đọc lại những dòng chữ của Thầy, lòng tôi luôn trào dâng xúc động. Tháng 4-1996, tôi chính thức được bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án Quốc gia tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Do bận dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Đại hội Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino - Nicaragua, mà Thầy vắng mặt trong buổi lễ bảo vệ luận án của học trò, Thầy viết bức thư ngắn gửi Hội đồng chấm luận án Quốc gia: Bên cạnh việc xin phép vắng mặt của người hướng dẫn khoa học cùng với những nhận xét, đánh giá đối với luận án, Thầy còn gửi đến hội đồng những lời của sự chia sẻ, sự thấu hiểu về hoàn cảnh của người học. Thầy viết: “Điều đáng chú ý là anh Dựng tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị và bảo vệ luận án này trong hoàn cảnh rất khó khăn; anh làm công tác giảng dạy ở Đà Nẵng, gia đình bố mẹ ở Quảng Bình, vợ con ở Quảng Ngãi, nghiên cứu khảo sát thực tiễn và chọn đối tượng nghiên cứu là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa bàn Tây Nguyên, bảo vệ luận án lại ở Hà Nội. Chỉ riêng việc đi lại đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn, tốn kém, vất vả…”.

Đọc đến những dòng này, không ai trong khán phòng lại không xúc động và nghĩ ngay đến chuẩn mực đạo làm thầy của người viết. Riêng tôi, một cảm nhận ngỡ ngàng và sự xúc động trào dâng, một sự biết ơn sâu sắc trong lòng rằng: Nếu không có một trái tim nhân ái, trong sáng của tình người cao đẹp thì không thể có sự thấu cảm đến tận cùng đối với cuộc sống đời thường của những con người bình thường xung quanh mình như thế.

Trong những ngày thu buồn đau này, tâm trạng của tôi có gì đó tương đồng với tâm trạng của những ngày thu tháng 9-1969 khi Bác Hồ ra đi hay những ngày cuối thu tháng 10-2013 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Âu đó cũng là những cái chung của bậc vĩ nhân, của những nhân cách lớn trong lòng dân. Vài kỷ niệm nhỏ ở trên xin được coi là những nén tâm hương của người em, người học trò thay một lời tri ân, một sự kính trọng mãi mãi đến với Thầy - MỘT CON NGƯỜI, MỘT NHÂN CÁCH LỚN, TOÀN VẸN.      

                  TS. NGUYỄN MẬU DỰNG
      Nguyên giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Tâm lý - Xã hội học,
     Học viện Chính trị khu vực III

;
;
.
.
.
.
.