Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp thành phố và các tổ chức thành viên phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát động có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của thành phố.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung (bên phải) và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm (bên trái) chủ trì hội nghị phản biện xã hội dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố “Quy định mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng phí tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn”. Ảnh: PV |
Thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội
Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố và Quyết định số 2838-QĐ/TU ban hành Quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp và nhân dân thành phố trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho Mặt trận các cấp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Nhờ đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện 375 chuyên đề giám sát, đạt kết quả tích cực.
Đơn cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức giám sát về xâm hại phụ nữ và trẻ em; hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến phường, xã. Hội Nông dân giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu; việc hỗ trợ sinh kế cho ngư dân nghèo; hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo và cận nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh.
Công tác phản biện xã hội chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ để các ngành, lĩnh vực quản lý, chủ đầu tư có thêm nhiều thông tin nhằm điều chỉnh công trình, dự án phù hợp thực tiễn và tạo đồng thuận trong nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, Mặt trận các cấp thành phố tổ chức 142 hội nghị phản biện xã hội. Điển hình, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật và các hội thành viên tập hợp đông đảo trí thức hoạt động trong các ngành, lĩnh vực tham gia ý kiến đóng góp vào các chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; tham gia phản biện nhiều đồ án, dự án trên các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, môi trường và các dự án trọng điểm của thành phố...
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên tại quận Thanh Khê ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực. Mặt trận quận triển khai giám sát 274 chuyên đề với nội dung gắn liền với những vấn đề có tác động lớn đến nhân dân; tổ chức 43 hội nghị phản biện xã hội hiến kế, đề xuất nhiều nội dung quan trọng, giúp chính quyền địa phương đưa ra các chủ trương, dự án, đề án, kế hoạch sát với thực tiễn.
Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động
Trong nhiệm kỳ, bên cạnh thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, các cuộc vận động được Mặt trận các cấp triển khai hiệu quả. Qua 5 năm, Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố vận động 153 tỷ đồng, đạt 127,5% chỉ tiêu đề ra trong Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2019-2024. Từ nguồn vận động đã hỗ trợ xây dựng mới 537 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng; sửa chữa 1.439 ngôi nhà với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất cho 1.129 trường hợp với số tiền gần 6,5 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 874 trường hợp với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ 13.286 lượt học sinh, sinh viên nghèo với số tiền hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 66,7 tỷ đồng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều chương trình chăm lo cho đoàn viên, hội viên và nhân dân gặp khó khăn.
Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, Mặt trận huyện triển khai nhiều cuộc vận động, nhất là vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất của UBND huyện; vận động Quỹ “Vì người nghèo” hơn 20 tỷ đồng. Cùng với nguồn hỗ trợ của thành phố, huyện xây mới, sửa chữa 448 nhà đại đoàn kết; chăm lo Tết, hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn đột xuất, hỗ trợ sinh kế, điều kiện học tập hơn 16.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Phạm Thị Hồng Hạnh cho biết, Mặt trận quận vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đạt 12,975 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 39 nhà đại đoàn kết, tổng số tiền 1,993 tỷ đồng, sửa chữa 184 nhà với số tiền 3,902 tỷ đồng; tặng 1.130 suất học bổng với tổng kinh phí 1 tỷ đồng, hỗ trợ 114 phương tiện sinh kế với 1,027 tỷ đồng, hỗ trợ khám, chữa bệnh, khó khăn đột xuất và trao quà nhân các ngày lễ lớn trong năm với tổng kinh phí là 864,3 triệu đồng, trao quà Tết cho 4.983 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 2,531 tỷ đồng...
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Mặt trận, các tổ chức thành viên và các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc về tiêu dùng hàng Việt. Mặt trận và các tổ chức thành viên vận dụng sáng tạo, quảng bá hàng Việt Nam, sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng qua nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng như các hoạt động khác như “Phiên chợ Việt 0 đồng”, “Gian hàng Việt nghĩa tình” để hỗ trợ bà con nhân dân khó khăn; trưng bày hàng Việt trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong các lễ hội đình làng... với các sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề của địa phương, góp phần đưa hàng Việt ngày càng được khẳng định thương hiệu và uy tín đối với người dân.
NGỌC PHÚ