Gỡ khó trong chuyển đổi vị trí công chức phường, xã

.

Chuyển đổi vị trí công tác là một trong những giải pháp nhằm giúp cán bộ, công chức phường, xã có điều kiện phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực trên lĩnh vực công tác theo chuyên môn, nghiệp vụ.

Chuyển đổi vị trí công tác là một trong những giải pháp nhằm giúp cán bộ, công chức phường, xã phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong ảnh: Lãnh đạo phường Hòa Minh tặng hoa chúc mừng các công chức được điều động đến công tác tại phường. Ảnh: T.H
Chuyển đổi vị trí công tác là một trong những giải pháp nhằm giúp cán bộ, công chức phường, xã phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. TRONG ẢNH: Lãnh đạo phường Hòa Minh tặng hoa chúc mừng các công chức được điều động đến công tác tại phường. Ảnh: T.H

Hạn chế ở một số vị trí khi chuyển đổi

Năm 2022, anh Hồ Phú Quốc Thắng, công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang được luân chuyển đến công tác tại xã Hòa Liên. Mặc dù có nhiều năm làm về địa chính nhưng khi làm việc ở địa phương mới, anh Thắng gặp không ít khó khăn do địa bàn mới, rộng lại phức tạp về nguồn gốc sử dụng đất nên mỗi khi xác định để giải quyết nhu cầu của người dân, anh mất nhiều thời gian xác minh. Qua hơn 2 năm làm địa chính xã Hòa Liên, hiện nay công việc của anh đi vào nền nếp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng theo anh Thắng, nếu công chức địa chính là người địa phương, am hiểu địa bàn, nắm rõ vị trí, nguồn gốc đất thì việc xác minh, tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề về đất đai sẽ thuận lợi hơn.

Sau nhiều năm công tác tại UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), tháng 6-2024, chị Đồng Thị Thu Hoa, công chức tài chính - kế toán được luân chuyển về phường Hòa Minh theo kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp phường của UBND quận Liên Chiểu. Chị Hoa cho biết, mặc dù vẫn làm công việc kế toán - tài chính ở đơn vị mới, nhưng do mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên mọi thứ đều cần có thời gian tiếp cận, tìm hiểu. “Qua chuyển đổi vị trí, đơn vị làm việc, bản thân tôi học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm để phục vụ công việc ngày một tốt hơn”, chị Hoa cho hay.

Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho rằng, việc chuyển đổi vị trí công tác giúp phường quản lý tốt đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tránh các trường hợp công chức công tác ở những vị trí nhạy cảm lâu năm dễ gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các công chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác tại phường cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như: việc đi lại do nhà ở xa, việc triệu tập để xử lý công việc đột xuất và ngoài giờ còn hạn chế...

Ông Mai Thanh Quang, Trưởng phòng Nội vụ quận Liên Chiểu cho biết, khi Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, hằng năm phòng tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp phường. Trong đó, việc chuyển đổi vị trí, nhiệm vụ công tác của công chức từ địa phương này sang địa phương khác có chuyên môn phù hợp vị trí việc làm được thực hiện bằng quyết định điều động của Chủ tịch UBND quận. “Từ đầu năm 2024 đến nay, quận thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 8 công chức cấp phường”, ông Quang thông tin.

Chủ động khắc phục khó khăn

Từ năm 2022 đến nay, huyện Hòa Vang thực hiện luân chuyển vị trí công tác của 6 công chức địa chính xã. Ông Ngô Duy Quang, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, việc luân chuyển vị trí công tác công chức xã bước đầu mang lại một số kết quả tích cực như hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, lĩnh vực địa chính rất phức tạp, khối lượng công việc lớn đòi hỏi công chức phải có trình độ, kinh nghiệm, nắm chắc địa bàn, nguồn gốc đất, thậm chí còn phải biết cả các mối quan hệ của người chủ sử dụng đất. Trong khi đó, công chức luân chuyển đều không phải người địa phương nên việc tiếp cận địa bàn, hồ sơ địa chính mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, thời gian quy định luân chuyển hiện nay 2- 5 năm cũng còn bất cập, bởi sau khi luân chuyển, mỗi công chức lại cần ít nhất 1 - 2 năm để thuộc địa bàn, nắm chắc diện tích đất của địa phương. Với thời gian luân chuyển như trên thì có khi công chức vừa thuộc được địa bàn thì lại đến thời gian luân chuyển.

Ghi nhận thực tế cho thấy, để khắc phục khó khăn sau khi luân chuyển từ công chức địa chính xã này sang xã khác trên địa bàn huyện Hòa Vang, hầu hết cán bộ địa chính khi về đơn vị mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu bản đồ địa giới hành chính xã cả trên hồ sơ và thực địa.

Để khắc phục khó khăn về thời gian đối với việc định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, ông Quang đề xuất nên điều chỉnh thời gian luân chuyển dài hơn. Bởi điều này không chỉ giúp công chức thuộc diện luân chuyển nắm sát địa bàn, quen công việc và cũng yên tâm hơn khi làm việc tại xã mới. Cùng quan điểm, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng, việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ, ngoài phòng, chống tiêu cực còn tạo điều kiện cho công chức xã có điều kiện tiếp xúc với nhiều địa bàn, môi trường khác nhau nhằm phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc luân chuyển theo hạn định gặp nhiều khó khăn, nhất là địa phương có địa bàn rộng và phức tạp.

Theo Sở Nội vụ thành phố, việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 và các nghị định của Chính phủ, nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Ở cấp cơ sở, theo danh mục quy định có một số lĩnh vực là kế toán, tài chính, tư pháp, địa chính... bắt buộc phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với thời hạn định kỳ chuyển đổi từ đủ 2 - 5 năm, theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng cho rằng, việc triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc làm này không chỉ góp phần chủ động phòng ngừa tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng trì trệ, chủ nghĩa kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn là một trong những giải pháp tích cực tạo ra môi trường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.