Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2024)

Ký ức mùa thu cách mạng

.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn. Đây trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.

Di tích lịch sử cách mạng nhà ông Huỳnh Đủ, nơi Ủy ban bạo động Hội An họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. (Đồng chí Nguyễn Văn Ưng, Trưởng Ban bạo động khởi nghĩa Hội An (thứ 2, bên phải sang). (Ảnh chụp năm 1984)
Di tích lịch sử cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Xuân Vân. 

79 năm trôi qua, lần giở những trang hồi ký của những người trong cuộc, không khí của những ngày mùa Thu tháng Tám ở Quảng Nam, Đà Nẵng được tái hiện một cách sinh động. Từ ngày 12-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ung Tòng (Ung Bá Tòng) tại Khương Mỹ, Tam Kỳ (nay là thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang diễn ra thì chiều ngày 13-8-1945, từ Đà Nẵng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật hoàng đã đầu hàng đồng minh”. Nhưng nhờ quán triệt Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nắm vững về thời cơ cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Trong khi đó, từ đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương đã ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, Quảng Nam chưa nhận được càng làm cho quyết định khởi nghĩa thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của Tỉnh ủy Quảng Nam và phù hợp với mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương.

Sau hội nghị, các thành viên trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh đang phụ trách địa phương nào về lãnh đạo khởi nghĩa tại địa phương đó, chỉ điều chỉnh tăng cường một số đồng chí cho những nơi quan trọng. Hội nghị nhanh chóng kết thúc vào chiều ngày 14-8-1945, các đồng chí dự hội nghị tỏa về địa phương triển khai cấp tốc kế hoạch. Ngay tối 14-8-1945, cơ quan Thường trực của Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh chuyển từ Bà Rén (Quế Sơn) ra nhà đồng chí Nguyễn Xuân Vân, làng Bích Trâm (nay thuộc xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) để thuận tiện cho việc nắm tình hình và chỉ huy cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, chiều ngày 17-8-1945, tại nhà ông Huỳnh Đủ, ấp Ngọc Thành, Kim Bồng, Ủy ban bạo động Hội An họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. Cuộc họp đang diễn ra, đồng chí Võ Toàn theo phân công của tỉnh đã tham dự và chỉ đạo hội nghị. Sau khi nghe báo cáo tình hình, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa ở Hội An đã chín muồi, đồng chí Võ Chí Công khẳng định: “Thời cơ khởi nghĩa ở Hội An đã chín muồi, phải khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 17, rạng ngày 18-8-1945, không nên để chậm hơn nữa. Đây là thời cơ phải giành lấy chính quyền, bẻ gãy âm mưu của địch, vì các lực lượng chính trị, vũ trang cách mạng ở Hội An đã được chuẩn bị sẵn sàng, phần lớn lực lượng bảo an của địch có cảm tình với cách mạng và cơ sở của ta trong lực lượng này cũng sẵn sàng làm nội ứng” (theo Võ Chí Công Tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia sự thật, trang 114-115).

Hội nghị đã quyết định cử đồng chí Nguyễn Văn Ưng, Trưởng Ban bạo động khởi nghĩa Hội An lên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo cơ quan Thường trực Ban bạo động khởi nghĩa tỉnh tại làng Bích Trâm. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Ưng ghi: “Bàn xong kế hoạch vừa đúng 6 giờ chiều, tôi phải cấp tốc lên Bích Trâm, Điện Bàn (nhà anh Nguyễn Xuân Vân em ruột anh Nguyễn Xuân Nhĩ cơ quan Thường trực Ban bạo động khởi nghĩa tỉnh) để báo cáo đề nghị khởi nghĩa ngay trong đêm 17-8-1945 của Hội An.

Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, nhà ông Tú Vân (Nguyễn Xuân Vân) rất sôi nổi, nhộn nhịp. Tại đây, Thường trực Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh đã có một quyết định rất quan trọng, có quan hệ mật thiết với thắng lợi nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa. Đó là quyết định để Hội An khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh”. (Nguyễn Văn Tấn (Nguyễn Văn Ưng) - Những năm tháng không quên, NXB Đà Nẵng, trang 35).

Trong lúc chờ ý kiến của Thường trực ban bạo động tỉnh, hội nghị tiếp tục bàn kế hoạch và phương án khởi nghĩa ở Hội An và nhấn mạnh: Trước hết tiến hành chiếm đồn bảo an, sau đó sẽ chiếm tỉnh đường. Ngay trong đêm, đồng chí Nguyễn Văn Ưng về báo cáo: “Thường trực Ban bạo động tỉnh quyết định đồng ý ra mệnh lệnh cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An trong đêm 17 rạng ngày 18-8-1945, đồng thời ra mệnh lệnh cho Ủy ban Bạo động khởi nghĩa các phủ, huyện huy động quần chúng vũ trang khởi nghĩa xuống đường biểu tình thị uy bao vây giành chính quyền ở các phủ, huyện cùng với Hội An trong ngày 18/8 sau đó tỏa về thành lập chính quyền ở các tổng, xã. Như vậy, toàn tỉnh cùng khởi nghĩa vào đêm 17 rạng ngày 18-8-1945, chứ không theo phương án nông thôn làm trước, sau đó làm thành phố như chủ trương trước đó”. (Những năm tháng không quên, trang 35).

Mệnh lệnh khởi nghĩa có đoạn: “… Vận mạng lịch sử của cả dân tộc ta ngàn năm có một, toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến - sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt - Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy hy sinh vì Tổ quốc xông vào chiếm lĩnh Tòa Công - sứ, Tỉnh - đường, các phủ huyện đường, các đồn - binh, công - thự… bắt bọn bù nhìn  tay sai và bảo - an - binh đầu hàng nộp  khí giới cho cách mạng, diệt trừ bọn Việt - gian phản quốc, giành toàn thắng về tay nhân dân”.

Việc Thường trực Ban bạo động giành chính quyền tỉnh quyết định cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền sớm thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo. Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công ghi: “Theo kế hoạch Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương phát động ngay một đợt tuyên truyền rầm rộ bằng mọi hình thức. Sau đó, từ ngày 18 đến ngày 22-8-1945, sẽ tổ chức tổng biểu tình ở các phủ, huyện, chuẩn bị sẵn sàng chuyển lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ phủ, huyện trước rồi đến toàn tỉnh, tập trung lực lượng kéo về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An”. (Võ Chí Công - Trên những chặng đường cách mạng, trang 88).

Đúng 3 giờ sáng ngày 18-8, tiếng trống, mõ ở Ngọc Thành và các khu phố bắt đầu vang lên vang dội cả thị xã Hội An. Đi đến đâu, quần chúng hai bên đường phố cũng nhanh chóng nhập vào đoàn để tham gia khởi nghĩa, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu cách mạng... 6 giờ sáng ngày 18-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An giành thắng lợi.

Tin Tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền thắng lợi khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên. Chiều ngày 18-8, đoàn xe lực lượng võ trang tỉnh do đồng chí Võ Toàn dẫn đầu vào đến Tam Kỳ, phối hợp với lực lượng tự vệ vũ trang của phủ chiếm đồn Đại Lý, bắt tên đồn trưởng gian ác, thu toàn bộ súng đạn, sau đó chuyển lên chiếm phủ lỵ. Quần chúng các mũi kéo vào tràn ngập phủ đường. Đồng chí Khưu Thúc Cự thay mặt Ủy ban bạo động thu nhận giấy tờ, con dấu do phủ trưởng Trần Kim Lý giao nộp. Tối 18-8-1945, chính quyền ở phủ Tam Kỳ đã về tay nhân dân. Trong ngày 18-8-1945, các phủ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Đại Lộc giành được chính quyền.

Tại thành phố Đà Nẵng, đúng 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, khi tiếng còi của thành phố vừa vang lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định, đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. 9 giờ sáng ngày 26-8-1945, lực lượng khởi nghĩa ở Đà Nẵng tiếp thu toàn bộ công sở trong thành phố. Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng đã thành công.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn. Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh thành trong cả nước khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất. Đây trở thành dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng. Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), NXB Chính trị quốc gia sự thật, trang 696 đã dành những dòng trang trọng nhất để nói về sự kiện này: “Ngày 18-8-1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, song do thời cơ thuận lợi xuất hiện, thấm nhuần Chỉ thị lịch sử ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng ở các tỉnh trên là biểu hiện sinh động tinh thần chủ động, sáng tạo, năng lực cách mạng dồi dào của các cấp bộ đảng, Việt Minh và quần chúng các địa phương”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

;
;
.
.
.
.
.