Nhớ lại mùa thu của 55 năm về trước

.

Sau hai tháng ròng rã vượt đường Trường Sơn hùng vĩ, tôi ra đến Thủ đô Hà Nội vào chiều 19-7-1969. Mặc dù tôi đi ra theo diện cán bộ giao liên Thị ủy Hội An cử ra miền Bắc học tập, nhưng do tuổi còn nhỏ nên không được đưa về nơi đón tiếp cán bộ ở Hà Đông mà về khu thiếu niên nhi đồng T64 ở Đống Đa (Hà Nội), nơi đón các em học sinh miền Nam ra miền Bắc.

Tác giả Lê Minh Hùng (thứ hai, bên phải sang) và Phạm Phú Bổn (thứ tư, bên phải sang) chụp ảnh với bộ đội ở công viên Thống Nhất tháng 8-1969. Ảnh: L.M.H
Tác giả Lê Minh Hùng (thứ hai, bên phải sang) và Phạm Phú Bổn (thứ tư, bên phải sang) chụp ảnh với bộ đội ở công viên Thống Nhất tháng 8-1969. Ảnh: L.M.H

Do đi trên đường Trường Sơn, bị sốt rét rất nặng nên vào khu T64 được hơn một tuần thì tôi bị sốt rét trở lại liên tục. Vậy là tôi và Phạm Phú Bổn, hiện nay ở Đắk Lắk, được bộ phận y tế của khu T64 đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, nằm điều trị ở khoa Lây (còn gọi là khoa Truyền nhiễm) chứ không đưa vào Bệnh viện E như nhiều bạn khác. Có thể nói đây là đợt nằm viện dài nhất và có nhiều kỷ niệm ấn tượng nhất trong cuộc đời tôi vì nó kéo dài tới 4 tháng liên tục với bệnh án chồng cao lên gần một mét.

Tôi và Phạm Phú Bổn thường xuyên bị các cơn sốt rét hoành hành liên tục. Nhưng mỗi khi dứt cơn sốt rét, hai đứa tôi được ăn uống và thuốc men bồi bổ đầy đủ nên người mau bình phục. Vì thế hai đứa tôi có mong muốn được đi lại đó đây cho biết Thủ đô Hà Nội. Do Bệnh viện Bạch Mai nằm ở gần phía nam công viên Thống Nhất, lại có ga cuối của tàu điện chạy nên thi thoảng hai chúng tôi lại rủ nhau đi chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm, Bưởi hoặc rong ruổi vào tận Hà Đông suốt cả ngày chiều tối mới về.

Cô Lan, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, làm y tá ở khoa Lây, nơi tôi và Bổn nằm điều trị nên rất quý nhau. Vào cuối tháng Tám, cô có cho chúng tôi biết là hằng năm vào ngày Quốc khánh 2-9, ở công viên, ở quảng trường Ba Đình rất đông vui, về đêm có bắn pháo hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm nên hai chúng tôi háo hức chờ để chứng kiến không khí ngày hội của miền Bắc xã hội chủ nghĩa như thế nào. Với chiếc radio National của Bổn đưa từ miền Nam ra, chúng tôi luôn theo dõi tin tức chiến thắng ở miền Nam cũng như những hoạt động ở miền Bắc trong những ngày Quốc khánh.

Thế nhưng, mùa thu năm 1969 lại là một mùa thu buồn đối với dân tộc Việt Nam mà tôi được chứng kiến tại Thủ đô Hà Nội. Sắp đến ngày Quốc khánh 2-9, nơi trước đó 24 năm tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ kính yêu đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước toàn thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… mà mấy hôm nay không khí im lìm, ảm đạm bao trùm, cả Hà Nội và ngay trong Bệnh viện Bạch Mai nơi chúng tôi đang điều trị. Suốt mấy ngày qua, mọi người đều chăm chú theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam (thời điểm đó miền Bắc chưa có truyền hình) về các bản tin đặc biệt hằng ngày thông báo về tình hình sức khỏe của Bác Hồ.

Ai ai cũng hồi hộp, lo lắng theo dõi từng thông tin, không bỏ sót một lời của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh Hà Nội. Từ tờ mờ sáng và đến chiều, đến tối các y bác sĩ, các anh chị sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội thực tập, các bệnh nhân ở các khoa phòng khi có bản tin nói về sức khỏe của Bác Hồ đều im lặng lắng nghe chăm chú rồi hiện lên khuôn mặt với nỗi lo lắng khó tả. Không ai nói gì với nhau cả mà thầm kín trong lòng sự cầu mong cho Bác Hồ qua cơn bạo bệnh.

Sáng 5-9, tôi và Phạm Phú Bổn xin bác sĩ trực của khoa Lây đi chơi bờ hồ. Hai chúng tôi không ăn sáng, đi bộ lên ga công viên Thống Nhất rồi lên xe điện rất sớm. Tàu điện leng keng chạy chậm rãi lên ga Hàng Cỏ thì dừng lại đón và trả khách như thường lệ thì trời có những cơn mưa nhè nhẹ. Cùng lúc đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Linh cảm có một điều gì đó chẳng lành, nên hàng ngàn người già trẻ, gái trai có mặt ở ga Hàng Cỏ hôm đó dừng ngay hết mọi việc, đứng im lặng dưới các loa phát thanh để lắng nghe cái tin đau đớn nhất: Bác Hồ kính yêu đã vĩnh viễn đi xa.

Mọi người dường như không tin vào tai mình khi nghe được dòng tin đầy xót xa đó nên không mấy ai muốn rời xa chiếc loa phát thanh mà cố đứng lại thật lâu, thật lâu để nghe đi nghe lại cho rõ từng lời của bản thông cáo đặc biệt... rồi ôm nhau khóc nức nở. Tin như sét đánh ngang tai đó mỗi lúc càng lan rộng ra cả một không gian của ga Hàng Cỏ rộng lớn, tạo nên một cảnh tượng đau buồn đến tột cùng.

Như hiểu được nỗi đau của con dân nước Việt trước sự ra đi đột ngột của Bác Hồ kính yêu, trời lại mưa bay giăng giăng dày hạt chạy dọc theo con đường Nam Bộ mà tôi đứng trên tàu điện nhìn về phía xa xa công viên Thống Nhất, biểu tượng cho tình cảm của người Hà Nội, của người dân miền Bắc và của con em miền Nam tập kết ra Bắc luôn hướng về miền Nam thân yêu đang ngày đêm chống Mỹ cứu nước để Bắc - Nam sớm sum họp một nhà.

Vậy là tôi và Phạm Phú Bổn không còn nhuệ khí đâu để đi chơi ở bờ hồ và chợ Đồng Xuân nữa mà hai đứa vội xuống tàu điện để chờ chuyến đi ngược lại về nơi điều trị trong không khí đau buồn đang lan rộng khắp Bệnh viện Bạch Mai suốt những ngày sau đó.

Do nằm viện và không được tổ chức sắp xếp đi vào viếng Bác nên tôi với Bổn nằm nhà theo dõi tin tức. Đến hôm ngày 9-9 làm lễ truy điệu Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình, nhưng các bác sĩ điều trị của khoa Lây thông báo bệnh nhân không được ra khỏi cổng bệnh viện vì công tác an ninh trật tự. Nhưng tôi với Phạm Phú Bổn quyết không chấp hành mà lẩn trốn cho bằng được.

Do công tác bảo đảm an ninh trật tự cho ngày lễ trọng đại nên tuyến đường từ phía Nam đến quảng trường Ba Đình đã bị lực lượng công an chặn lại ngay tại Cửa Nam. Vậy là tôi với Bổn đành đứng dưới loa truyền thanh mà mắt hướng về đường Điện Biên Phủ hướng tới quảng trường Ba Đình, nơi đang có hàng vạn người chỉnh tề đội ngũ để làm lễ truy điệu đặc biệt chưa từng có trong lịch sử của dân tộc lúc bấy giờ.

Không thể nào diễn tả hết sự trang nghiêm, thầm lặng của lớp lớp người khi qua đường hay đứng bên cạnh mà tôi với đôi mắt lệ nhòa, với nỗi tiếc thương, đau đớn về sự ra đi của Bác Hồ.

Qua chiếc loa truyền thanh tại Cửa Nam hôm ấy, khi nghe đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng giọng nấc nghẹn, run run đọc điếu văn truy điệu Bác, với điệp khúc 5 lần “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề…”, mà những người có mặt bên cạnh chúng tôi hôm đó và tôi cũng cảm nhận là dường như hàng triệu triệu con tim Việt Nam từ Bắc chí Nam, hay ở nước ngoài và bạn bè quốc tế yêu quý Việt Nam... đều đau buồn, đều bật lên tiếng khóc không kìm nén được. Thậm chí có nhiều người còn gào lên trong sự đau đớn tột cùng như khi cha, ông mình vừa mới ra đi vĩnh viễn.

Vậy là ngày Tết Độc lập của mùa thu 55 năm về trước, tôi cũng như biết bao người dân nước Việt từng chứng kiến sự kiện đau buồn đó, nay lại tưởng nhớ đến Bác Hồ, đến người Cha kính yêu của toàn dân tộc với lòng trào dâng một cảm xúc tự hào và cả sự rưng rưng về những ngày “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” của mùa thu năm ấy.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu, trong bài “Bác ơi” đã thốt lên:

Ơi Bác Hồ ơi những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu
Ra đi, Bác dặn còn non nước
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều…


Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn!”.

Tháng 8-2024
LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.