Quyết tâm đưa thành phố phát triển năng động, đột phá

.

Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cơ sở pháp lý quan trọng tạo đòn bẩy để thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến. Để có được cơ sở pháp lý này, thành phố đã nỗ lực phối hợp các cơ quan Trung ương, bộ, ngành trong công tác tham mưu, đề xuất, xây dựng báo cáo, tổng hợp bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Nghị quyết số 136/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 26-6-2024, trong đó có nội dung về cơ chế đặc thù phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn.  TRONG ẢNH: Lớp học đào đạo vi mạch cho các thầy cô, giảng viên tại Đà Nẵng. Ảnh: H.T
Nghị quyết số 136/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 26-6-2024, trong đó có nội dung về cơ chế đặc thù phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. TRONG ẢNH: Lớp học đào đạo vi mạch cho các thầy cô, giảng viên tại Đà Nẵng. Ảnh: H.T

Nỗ lực để thành phố chính thức thực hiện chính quyền đô thị

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Trần Trung Sơn, thành phố đạt kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh vướng mắc, thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Trên cơ sở đó, Quốc hội thống nhất chủ trương bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp UBND thành phố, Bộ Nội vụ tham mưu thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, dự thảo nghị quyết và 3 lần lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan; tổ chức 4 cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định việc tham mưu, xây dựng dự thảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển, thành phố phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế hóa Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Công Tuấn, được sự chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND thành phố và Thường trực HĐND thành phố, Ban Pháp chế và các ban của HĐND thành phố tổ chức giám sát, làm việc trực tiếp với các địa phương, đơn vị về quá trình tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Qua đó, tham mưu cho Đảng đoàn HĐND thành phố sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nêu những ưu việt, khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thành ủy. Thường trực HĐND thành phố phối hợp UBND thành phố kiến nghị những giải pháp cụ thể để Trung ương sớm có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để mô hình này hoạt động hiệu lực, hiệu quả khi thực hiện chính thức.

Quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn khi thời gian xây dựng nghị quyết không nhiều; có những ý kiến khác nhau trong quá trình làm việc với các bộ, ngành Trung ương. Trước tình hình đó, UBND thành phố, các sở, ngành, các ban HĐND thành phố báo cáo, giải trình về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đối với những đề xuất của mình về tổ chức chính quyền đô thị. Với quyết tâm cao nhất, các ban HĐND thành phố, cùng với các sở, ngành bám sát và làm việc liên tục với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành Trung ương báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép Đà Nẵng chính thức tổ chức chính quyền đô thị.

Tạo đòn bẩy cho sự phát triển

Trưởng phòng Tổng hợp và Hợp tác quốc tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Ngô Đình Tráng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù rất phức tạp đòi hỏi các cơ quan tổng hợp phải nắm bao quát việc triển khai, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan Trung ương và địa phương. Bên cạnh việc nhìn nhận từ cơ sở thực tiễn ở địa phương, thành phố tham khảo cơ chế đặc thù của các địa phương đã thực hiện trước đó để học tập kinh nghiệm, tránh những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.

Đà Nẵng được chọn là nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù bởi thuận lợi về diện tích, vị trí, nền tảng, thực tiễn tại địa phương... Song vẫn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng những cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ như khu thương mại tự do, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược... Vì vậy, cả hệ thống chính trị nỗ lực, làm việc thường xuyên với bộ, ngành Trung ương để xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù đầy đủ, đúng quy trình. Sự đoàn kết, quyết tâm đó góp phần hoàn thiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 và được Quốc hội thông qua.

Ngày 1-1-2025, Nghị quyết số 136/2024/QH15 chính thức có hiệu lực. Để chủ động triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 44-CT/TU về lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15. Theo đó, giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố lãnh đạo việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Ngày 18-7-2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 11211-QĐ/TU khen thưởng, tặng bằng khen cho 14 tập thể, 12 cá nhân có thành tích trong công tác tham mưu sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, 14 tập thể gồm: Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Phòng Lý luận chính trị, lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Thành ủy), Phòng Tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Thành ủy), Đảng ủy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đảng bộ cơ sở Phòng Tham mưu (Đảng ủy Công an thành phố); Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.