Tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến

.

ĐNO - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Đà Nẵng sáng 31-8.

Ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: M.Q

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích kết quả đạt được; đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cũng như nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách chưa kịp thời;  công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm; triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập.

Việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu còn chậm; nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá; tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh, trong khi đó 33/135 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tiêu chí nào về an toàn, an ninh mạng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của các hạn chế do chưa thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ chưa rõ việc, rõ trách nhiệm; thiếu công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chỉ đạo, dẫn đến kết quả hiệu quả còn thấp; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ rõ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu phải dành thời gian công sức trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng cách “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính.

Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả thực hiện; tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tập trung vào mục tiêu cắt giảm tối đa chi phí, thời gian thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai hiệu quả 2 trụ cột: kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng và củng cố 3 trọng tâm: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa. Hướng đến 4 không: không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu quy định không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện 5 đẩy mạnh và tăng cường: tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bố nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số: tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, cần phải có đột phá. Các bộ, ban, ngành, địa phương phải chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ bị động sang chủ động dựa trên dữ liệu. 

Thủ tướng yêu cầu cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó: rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý trong trong triển khai, thực hiện nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn", thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sớm có nghiên cứu đánh giá, mở rộng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để hoàn thiện hệ sinh thải trên môi trường điện tử cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp, trở thành các điểm số hóa, cung cấp các dịch vụ công phi địa giới hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là các đối tượng yếu thế.

Tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan Nhà nước; tăng cường đàm phán với các đối tác thương mại của Việt Nam để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kèm theo việc trao đổi thông tin, công nhận lẫn nhau đối với dữ liệu chứng từ thương mại, chứng từ hành chính điện tử.

Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả, trong đó: tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu công tác; tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Q
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Q

Tại hội nghị các đại biểu đã tham luận về tình hình, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình.

Các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.

Báo cáo tại hội nghị, từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biển tích cực: có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương; sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, sinh viên, công đoàn, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8-2024.

MAI QUẾ

 

;
;
.
.
.
.
.
.