Tăng cường quản lý, khơi thông nguồn lực đất đai, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội

.

ĐNO - Ngày 27-9, UBND thành phố tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác này. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Quản lý đất đai được ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh, công tác quản lý đất đai đang là một trong những vấn đề trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của thành phố.

Những năm qua, công tác quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững, ổn định trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, tạo ra nền tảng vững chắc, bảo đảm sự ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn thành phố là rất cấp thiết. Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tăng cường công tác quản lý đất đai; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và chính sách đất đai, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tập trung nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là khơi thông nguồn lực đất đai, triển khai hiệu quả Luật Đất đai năm 2024, nhằm thúc đẩy phát triển các dự án trọng điểm của thành phố và tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (phải) và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn (trái) đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (phải) và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong quản lý đất đai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân và các cấp chính quyền về pháp luật đất đai để tạo sự đồng thuận và ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, đặc biệt là các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép, và các vi phạm trong việc thực hiện quyền sử dụng đất của các tổ chức và cá nhân...

Hội nghị tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hội nghị tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đòi hỏi phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam lưu ý, để tăng cường công tác quản lý đất đai một cách hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các sở, ban, ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan.

Trước mắt, cần tiếp tục đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố và nghiêm túc thực hiện, không để những tồn tại và hạn chế kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp đã được thống nhất tại hội nghị, trong đó, đặc biệt lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục tập trung xây dựng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai năm 2024 và triển khai hiệu quả luật này cùng các nghị định liên quan và chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch. Đối với các dự án chậm tiến độ hoặc chưa được cấp phép đầy đủ, cần có biện pháp khắc phục kịp thời để không gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Các đơn vị liên quan cũng tập trung cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm việc quản lý sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố; rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra và các bản án liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý quỹ đất bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cũng chỉ đạo tăng cường quản lý, sử dụng đất hiệu quả và minh bạch; bảo đảm sử dụng quỹ đất công ích hợp lý và hiệu quả, nhất là tăng cường quản lý đối với các khu đất trống, đất công để tránh lãng phí và vi phạm pháp luật...

Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phố tập trung tối đa nguồn lực để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Kết luận số 77- KL/TW ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị đối với Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” để khơi thông nguồn lực, nhằm triển khai hiệu quả lợi thế và tiềm năng về đất đai của thành phố, hướng đến các nguồn lực mới, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển thành phố.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đại diện các sở, đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý về đất đai và tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, khơi thông nguồn lực đất đai như: giải pháp cho thuê tạm quỹ đất công trong thời gian ngắn hạn (khoảng 5-10 năm) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả quỹ đất tái định cư; yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản, khu đô thị triển khai đầu tư hạ tầng xã hội theo quy hoạch...

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.