Công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm luôn được cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. TRONG ẢNH: Kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Ảnh: PV |
Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 19 tổ chức đảng và 179 đảng viên (có 70 cấp ủy viên). Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; nêu gương, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kê khai tài sản, thu nhập; công tác quản lý, sử dụng đất đai; những điều đảng viên không được làm… Qua kiểm tra, kết luận có 6 tổ chức đảng, 148 đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Khi vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng có xu hướng gia tăng, nội dung, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát phải hết sức chú trọng khâu thẩm tra, xác minh. Công tác thẩm tra, xác minh trong tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được tiến hành theo phương pháp dựa vào tổ chức đảng; phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; phối hợp giữa công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, ngành có liên quan.
Yêu cầu cơ bản của thẩm tra, xác minh là tìm ra bản chất, làm rõ sự thật bằng chứng cứ và kiểm chứng trên cơ sở khoa học, khách quan; thu thập thông tin từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau như các kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán; báo cáo kết quả điều tra, xác minh vụ án, vụ việc (nếu có), hồ sơ, tài liệu liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên… để có căn cứ phân tích, so sánh, lựa chọn những thông tin có độ tin cậy cao nhằm bảo đảm tính xác đáng của các chứng cứ. Quá trình thẩm tra, xác minh, cán bộ kiểm tra gặp, làm việc với các đối tượng liên quan đến vụ việc để thu thập thêm thông tin, chứng cứ; thận trọng phân tích, đánh giá thực chất sự việc, hiện tượng, tình tiết, phát hiện những mâu thuẫn, vấn đề không hợp lý, chưa rõ để vừa tiếp tục thu thập tài liệu, thông tin, bằng chứng khác, vừa thuyết phục, gợi ý đấu tranh, cung cấp bằng chứng để đối tượng được kiểm tra từng bước tự nhận ra sự thật.
Nhìn chung, hoạt động thẩm tra, xác minh của UBKT các cấp từ thành phố đến cơ sở trong tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được thực hiện nghiêm túc, có nhiều chuyển biến tích cực. Quá trình thẩm tra, xác minh đã bám vào nội dung kiểm tra, tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp công tác kiểm tra, phát huy dân chủ, khách quan, công khai, biết dựa và phát huy tinh thần xây dựng Đảng của tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, hoạt động này trong tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thời gian qua cũng còn thiếu sót, bất cập như thẩm tra, xác minh chưa kỹ, chưa sâu, chưa toàn diện và thiếu chính xác; kỹ năng, nghiệp vụ thẩm tra, xác minh của một số cán bộ kiểm tra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thẩm tra, xác minh là khâu quan trọng, then chốt nhằm làm rõ đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm của đối tượng được kiểm tra, kịp thời xử lý nhằm cảnh tỉnh, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên; đồng thời góp phần minh oan cho những tổ chức đảng, đảng viên bị oan sai, vu khống. Để làm tốt công tác thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao nhận thức của cấp ủy, UBKT các cấp về vị trí, vai trò của thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và trọng tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng kế hoạch thẩm tra, xác minh và chất lượng công tác này với các nội dung cụ thể:
Một là, nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai kế hoạch thẩm tra, xác minh. Kế hoạch phải được xác định đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, cụ thể đối tượng, phương pháp tiến hành, thời gian, tổ chức lực lượng; bảo đảm tính khoa học, chính xác; chủ động dự kiến những tình huống có thể phát sinh trong quá trình thẩm tra, xác minh và cách thức giải quyết.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, giám sát thường xuyên qua dự các cuộc họp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hằng tháng, hằng quý, kiểm điểm đảng viên, cấp ủy viên hằng năm, thông qua công tác thẩm định nhân sự để bổ nhiệm, khen thưởng; thông qua sinh hoạt đảng của đảng viên, dựa vào tổ chức đảng để nắm tình hình của đảng viên, tổ chức đảng... qua đó phát hiện, nhận diện, lựa chọn chính xác đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Ba là, chú trọng công tác nghiên cứu, thu thập văn bản, tài liệu, chứng cứ trong quá trình thẩm tra, xác minh. Cán bộ kiểm tra cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn, như cấp trực tiếp quản lý giao nhiệm vụ, văn bản của Đảng và Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, dư luận của quần chúng, cơ quan có liên quan hoặc các cơ quan ngôn luận phản ánh; dư luận từ nội bộ, từ bên ngoài, từ những người tố cáo, khiếu nại, người làm chứng liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm tra, từ chính bản thân đối tượng kiểm tra cung cấp, giải trình.
Bốn là, cấp ủy, UBKT các cấp thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra liên quan đến hoạt động thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là tập huấn chuyên sâu những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như công tác cán bộ, đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản... Tổ chức rút kinh nghiệm theo từng chuyên đề để xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có kinh nghiệm và năng lực, trình độ nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm tra, xác minh. Cán bộ kiểm tra phải thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực, tích lũy kinh nghiệm, tự hoàn thiện mình về phẩm chất, bản lĩnh phong cách công tác; phương pháp, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc làm việc để điều chỉnh phương pháp làm việc cho hợp lý.
Năm là, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa UBKT các cấp với các đơn vị đã có quy chế phối hợp trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị để hoạt động thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được thuận lợi, hiệu lực, hiệu quả.
LÊ THỊ MỸ HẠNH
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy