Ngân sách dành hơn 250 tỷ đồng/năm cho công tác phát triển công viên, cây xanh

.

ĐNO – Hơn 250 tỷ đồng là con số mà các đại biểu đưa ra tại buổi giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố năm 2024 sáng 3-10.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh H.N
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh H.N

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Trần Phước Sơn gợi ý một số vấn đề giám sát như: hiệu quả bố trí kinh phí qua các năm tiết kiệm được bao nhiêu, so sánh với thời gian chưa tự chủ; việc đầu tư máy móc thiết bị, hạn chế tối đa nhân công, giúp tiết kiệm hiệu quả như thế nào; qua thất thoát nước do người dân lấy trộm, để tránh lãng phí tài nguyên nước, đề nghị công ty quan tâm đến việc sử dụng nước thải đã qua xử lý của các trạm xử lý nước thải trên địa bàn các quận, huyện để tưới cây; quản lý sử dụng xe ô tô chuyên dụng; việc theo dõi, quản lý, quy trình thay thế cây xanh, sử dụng và chăm sóc những cây ngã đổ trong các đợt bão; việc phối hợp với chủ đầu tư trong việc di dời cây xanh trong các dự án giao thông, tránh lãng phí 2 lần khi dời đi và trồng lại...

Các đại biểu tham dự góp ý cho rằng Công ty Công viên – Cây xanh chưa có số liệu cụ thể chứng minh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả như thế nào. Trong đó chưa cụ thể các chỉ tiêu về thực hành tiết kiệm về tiết giảm chi thường xuyên bao nhiêu phần trăm, chưa có kết quả và thụ hưởng từ tiết kiệm chi để đầu tư vào mua sắm hay con người; chưa có định mức lao động; số lượng cây xanh đường phố nhiều năm qua không phát triển bứt phá mà vẫn duy trì ở mức khoảng 60.000 cây, số lượng và chủng loại cây không có điểm nhấn, đề nghị công ty cần có hướng để chuyển đổi; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý cây xanh thành phố. Thời gian qua công ty tiết kiệm tài chính được bao nhiêu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của công ty; việc khắc phục, xử lý cây xanh ngã đổ sau bão như thế nào.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến việc quản lý công viên như thế nào, kinh phí duy tu bảo dưỡng, đề án khai thác không có gây nên tình trạng lãng phí; việc xử lý rác cây xanh và mua sắm máy xay đến nay vẫn chưa được triển khai. Việc lãng phí trong di dời cây của các dự án cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, khi có khoảng 70-80% cây bị chết sau khi di dời, do đó cần bảo đảm cây phải sống sau khi di dời…

Hiện nay mỗi năm ngân sách thành phố dành khoảng 250 tỷ đồng cho Công ty Công viên – Cây xanh và các quận, huyện, chưa kể kinh phí dành cho các dự án. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng nguồn lực bỏ ra và kết quả mang lại chưa thỏa đáng.  

Báo cáo của Công ty Công viên - Cây xanh cho biết công ty thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn của đơn vị và theo đúng quy định hiện hành. Công ty đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, quản lý tài sản bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn đặt hàng của đơn vị đúng quy định; người lao động nêu cao tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, bảo đảm hoàn thành tốt công việc được giao trong công tác duy tu bảo dưỡng cây, hoa cỏ trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn đánh giá cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, cởi mở của đại biểu, đồng thời đề nghị đơn vị được giám sát tổng hợp, đánh giá cụ thể các vấn đề, tiếp thu sự góp ý cũng như đề cập trách nhiệm của cơ quan quản lý để báo cáo giải trình thêm những vấn đề được nêu ra tại buổi giám sát.

H. NHUNG

;
;
.
.
.
.
.