Góp ý sửa đổi nhiều nội dung dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

.

ĐNO - Sáng 1-11, phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, đại biểu Trần Đình Chung, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) thống nhất cao với tên gọi của dự thảo là Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Thiếu tướng Trần Đình Chung phát biểu tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG
Thiếu tướng Trần Đình Chung phát biểu tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Theo đại biểu Trần Đình Chung, nội dung này bảo đảm bao quát phạm vi luật điều chỉnh và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; không chồng chéo với các hoạt động phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Hàng hải Việt Nam...

Đồng thời, thống nhất chủ trương việc giao cho Chính phủ ban hành các danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm.

Đại biểu thống nhất việc Cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản theo hướng: Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cơ sở và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Đại biểu Trần Đình Chung tham gia góp ý 4 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, điểm c, khoản 3, Điều 14 quy định yêu cầu về PCCC khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng có ghi: “Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng phải có nguồn điện phục vụ hoạt động PCCC”, đề nghị thay cụm từ “phải có” bằng cụm từ “ưu tiên” và ghi lại theo hướng: “Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng ưu tiên nguồn điện phục vụ hoạt động PCCC”.

Theo đại biểu, quy định “phải có” chưa khả thi khi điều kiện hạ tầng cung cấp điện lưới hiện nay chưa có nguồn riêng biệt cho các mục đích khác nhau, mà chỉ theo từng nhóm, cụm hay khu vực. Do vậy, nên quy định cơ sở phải tự trang bị nguồn điện riêng hoặc đầu nối phù hợp hệ thống điện cơ sở, trong đó ưu tiên nguồn cấp điện phục vụ hoạt động PCCC.

Thứ hai, tại Điều 18 quy định về phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, đại biểu cho rằng, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy được quy định từ khoản 1 đến khoản 4 mà chưa nêu trách nhiệm các bên liên quan.

Do vậy, Cơ quan soạn thảo cần bổ sung trách nhiệm phòng cháy của các bên liên quan trong quá trình thi công gồm: Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm duyệt thiết kế.

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 18 có nội dung: “Chủ cơ sở, cá nhân,  đơn vị thi công, giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng đảm bảo an toàn PCCC”. 

Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định “Đối với xây dựng công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình”.

Thứ ba, tại khoản 5, Điều 19 quy định về phòng cháy đối với nhà ở có nêu: “Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo đại biểu Trần Đình Chung, cần thay cụm từ “Đối với nhà ở tại các thành phố trực thuộc Trung ương” bằng cụm từ “Đối với nhà ở tại các địa phương” và viết lại theo hướng “Đối với nhà ở tại các địa phương mà thuộc khu vực không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Theo đại biểu, không nên chỉ áp dụng với thành phố trực thuộc Trung ương mà cần áp dụng tại tất cả các địa phương, khu dân cư mà thuộc khu vực không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, do hiện nay các địa phương hầu hết đều có tình trạng các khu dân cư, xóm, tổ dân phố có nhiều nhà liền kề, không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thứ tư, tại điểm c khoản 1 Điều 22 quy định về phòng cháy đối với cơ sở có nêu cụm từ “khi cơ sở hạ tầng thông tin được bảo đảm”, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo thay cụm từ “khi cơ sở hạ tầng thông tin được bảo đảm” bằng cụm từ “khi đủ điều kiện thực hiện, theo lộ trình Chính phủ quy định” và viết lại theo hướng: “Trang bị, kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; khai báo, cập nhật cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ khi đủ điều kiện thực hiện, theo lộ trình Chính phủ quy định”.

Theo đại biểu, nội dung “khi hạ tầng thông tin được bảo đảm” mang khái niệm trừu tượng, chưa cụ thể, do vậy nên sửa đổi và giao cho Chính phủ thực hiện theo lộ trình, phù hợp với khoản 6, Điều 52 của dự thảo luật về quy định lộ trình trang bị, kết nối truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ và truyền thông tin báo cháy.

VŨ HƯNG - AN NHIÊN

 

 

;
;
.
.
.
.
.
.