Sự tham gia tích cực của hệ thống dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân thành phố đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả góp phần củng cố niềm tin và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác này.
Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi, trưởng đoàn, chủ trì hội nghị thông qua báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Đảng ủy Đại học Đà Nẵng năm 2024. |
Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nhiều chỉ thị, quyết định nhằm phát huy vai trò của mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
Hệ thống dân vận đã chủ trì, phối hợp mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham mưu cấp ủy cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực đồng hành, chung sức cùng đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra.
Hệ thống mặt trận các cấp tích cực vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, mặt trận và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến trước khi ban hành chính thức các chương trình, đề án, nghị quyết của chính quyền.
Thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, nhân dân phát huy quyền làm chủ theo cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng và việc sách nhiễu với nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, việc phát huy vai trò của nhân dân công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: một số cấp ủy chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm có lúc, có nơi chưa thật sự phù hợp, sát thực đối với từng đối tượng.
Để phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, hệ thống dân vận, Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội toàn thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện và có thái độ đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tích cực, vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; phản biện xã hội, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, tham mưu cấp ủy cùng cấp chỉ đạo tăng cường thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của các địa phương, đơn vị; chỉ đạo chính quyền các cấp làm tốt công tác dân vận chính quyền, công tác dân vận trong cơ quan nhà nước. Việc công khai, minh bạch sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong đấu trang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ba là, tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; giám sát, phản biện phải có trọng tâm, trọng điểm nhưng phải đảm bảo tính độc lập tương đối, đặt lợi ích của toàn xã hội, của nhân dân lên trên hết. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Bốn là, tham mưu cấp ủy, chính quyền lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và những góp ý, hiến kế của các tầng lớp nhân dân trên tinh thần cầu thị và phải thật sự tôn trọng, lắng nghe để có cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế, nhận diện rõ hạn chế, yếu kém cũng như có những giải pháp xử lý mang tính toàn diện hơn, căn cơ hơn khi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khơi dậy cảm hứng, sự sáng tạo và góp phần hạn chế nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, phối hợp xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị có đủ phẩm chất, năng lực và kỹ năng trong thực thi nhiệm vụ; nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, có sự “thấu hiểu” những khó khăn của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và có “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; đẩy mạnh việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” ở các cấp theo tinh thần “Ở đâu có dân ở đó phải làm công tác dân vận”.
BAN DÂN VẬN THÀNH ỦY