Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi này. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm lại được thực hiện ngay trong hoạt động xây dựng pháp luật, bởi những người tham gia xây dựng pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu góp ý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu góp ý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Ảnh: VŨ HƯNG

Ngày 27-6-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tại quy định này, Bộ Chính trị quy định những nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đồng thời, xác định các hành vi tham nhũng, hành vi tiêu cực trong xây dựng pháp luật và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan và xử lý trách nhiệm khi xảy ra vi phạm.

Tham nhũng chính sách ẩn dấu rất tinh vi

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực Nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự “bắt tay” giữa các chủ thể công, tư, nhóm lợi ích nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để đưa ra được những giải pháp thực hiện hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật hiện nay.

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật có thể được hiểu là hành vi của người, nhóm người, tổ chức có chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động xây dựng pháp luật đã lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn đó để vụ lợi cho cá nhân, nhóm, tổ chức của mình. Các hành vi tham nhũng diễn ra trong toàn bộ chu trình chính sách công, gồm các giai đoạn, như lựa chọn chính sách; xây dựng và ban hành chính sách; thực thi chính sách; đánh giá, hậu kiểm chính sách.

Trên thực tế, các hành vi này khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh bởi hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật được ẩn giấu tinh vi, biểu hiện ở các khía cạnh: Một là, việc nhận diện nó phải thông qua cách hiểu chữ nghĩa trong văn bản, trong khi chữ nghĩa trong văn bản có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Có thể một chữ, một khái niệm nhưng mỗi người có thể hiểu một kiểu, hiểu một cách và có thể áp dụng khác nhau. Hai là, để hiểu một quy phạm pháp luật mà chúng ta gọi là chính sách pháp luật thì đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về pháp luật, về chính sách và phải có trình độ chuyên môn về kỹ thuật làm luật, kỹ thuật ban hành chính sách và kiến thức thực tiễn thì mới có thể đánh giá được rằng là văn bản luật đấy chất lượng thế nào, có mâu thuẫn gì không và có sơ hở chỗ nào không? Chính vì khó nhận diện và không phải ai cũng có thể nhận diện được hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật nên từ tổng kết thức tiễn, Bộ Chính trị xác định các hành vi cụ thể để nhận diện tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật tại Quy định số 178-QĐ/TW.

Văn bản quy phạm pháp luật là hệ thống các quy phạm pháp luật chứa đựng các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định. Đối tượng và phạm vi tác động của văn bản quy phạm pháp luật là rất lớn và lâu dài. Do đó, có thể khẳng định tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại và có thể gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. Không chỉ một nhóm người, mà nhiều nhóm người, nhiều thế hệ có thể lợi dụng kẽ hở pháp luật đã được cố tình tạo ra để trục lợi, gây ra hậu quả vô cùng lớn đối với Nhà nước và xã hội.

Giải pháp đấu tranh phòng, chống

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật trong thời gian tới, trước mắt cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Theo đó, cần quán triệt đến cấp ủy, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nội dung của Quy định số 178-QĐ/TW , coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá tổ chức đảng, đảng viên.

Hai là, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Sớm thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW thành các quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất, nhất là khi xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng thời, kịp thời bổ sung các quy định liên quan đến việc đánh giá tác động của chính sách có nguy cơ dẫn đến nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và tác động đối với hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra về các vấn đề liên quan đến nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong nội dung chính sách, dự thảo văn bản.

Ba là, quy định cụ thể trách nhiệm tham gia góp ý, phản biện nhằm phát hiện nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; trách nhiệm giải trình của các chủ thể xây dựng pháp luật đối với các ý kiến góp ý, phản biện. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện công tác lấy ý kiến góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và công dân, đưa hoạt động này đi vào thực chất, khắc phục tình trạng hình thức như hiện nay. Cần tạo cơ chế để các người dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động xây dựng pháp luật. Tăng cường hoạt động truyền thông chính sách trong xây dựng pháp luật để người dân chủ động nắm bắt kịp thời về dự kiến nội dung chính sách, từ đó tham gia góp ý xây dựng và giám sát việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan xây dựng pháp luật.

Bốn là, cần tiếp tục quan tâm đến nguồn kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, coi đầu tư cho xây dựng pháp luật chính là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, tăng cường hoạt động tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hội, hiệp hội… trong quá trình xây dựng chính sách, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

TRẦN THỊ KIM OANH, Giám đốc Sở Tư pháp

;
;
.
.
.
.
.