70 năm tập kết ra Bắc - những năm tháng không quên

.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất toàn dân tộc. Trước dự cảm về một nền hòa bình mong manh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có một quyết định mang tầm chiến lược: đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Hành trình tập kết ra Bắc là hành trình sâu nặng nghĩa tình của hai miền Nam - Bắc và của dân tộc Việt Nam, chứa chan niềm tin về một ngày mai tươi sáng: Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ông Dương Thanh Tùng và vợ. Ảnh: Hoàng nhung
Ông Dương Thanh Tùng và vợ. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Bài 1: Ký ức về những ngày tập kết

Những cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc ở các tỉnh Nam Trung bộ được bố trí lên tàu ra Bắc ở cảng Quy Nhơn, Bình Định trên các chuyến tàu từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955. Trong những chuyến tàu ấy, có người được bố trí đi chuyến đầu tiên, có người đi chuyến cuối cùng, ra cảng Sầm Sơn, Thanh Hóa hoặc cảng Hải Phòng. Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì cho cách mạng miền Nam, người ở lại quyết giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết tâm cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giữ vững lòng tin

“Ngày 16-5-1955, tôi xuống chuyến tàu cuối cùng để ra Bắc, ở cầu Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Đó là tàu đánh cá của ngư dân, đi thêm vài cây số nữa rồi lên tàu vận tải, hồi đó dân gọi là tàu há mồm. Ở trên bờ bà con đưa tiễn lấy nón vẫy, trên tàu mỗi người giơ hai ngón tay, hẹn hai năm sau gặp lại. Hồi đó ai cũng có niềm tin như vậy. Ai ngờ 21 năm sau mới đoàn tụ”, Đại tá Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tham mưu Quân khu 5, nhớ lại. 

Quê ông Tổng ở làng Gò Nổi, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 10-1949, mới 14 tuổi, ông gia nhập thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội địa phương, luôn đi trước dẫn đường trong những đợt hành quân. Đủ 18 tuổi, ông được bổ sung vào bộ đội liên khu. Những năm tháng đó, hết đánh trận này qua trận khác, cách nhà vài cây số cũng bận không thể về thăm mẹ, thăm em. Ngày 19-7-1954, các ông đánh trận Bồ Bồ, qua ngày 20 Hiệp định Genève được ký. Lúc đó ông thuộc biên chế của Sư đoàn 305. Tháng 10-1954, các cánh quân của Sư đoàn 305 lên đường ra Phú Thọ, sau thành lập Lữ đoàn dù 305. Ông Tổng đi chuyến sau ra Sầm Sơn, Thanh Hóa, sau là Sư đoàn 324. “Khi bàn giao chuyển quân, dân khóc, bộ đội khóc, ai cũng đưa hai ngón tay hẹn ước. Tiểu đội tôi có 9 người thì 4-5 ông đã có vợ, mình cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu, nên khi đó vợ con họ đưa tiễn, mình cũng khóc theo”, ông Tổng kể.

Hồi đó ở miền Nam có 3 tầng lớp: “B trọc” là số đi tập kết ra Bắc, “B trụ” là số được cài lại để hoạt động bí mật và “B trồi” là khi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ở dưới đồng bằng lên núi hoạt động. Ông Tổng ở trong nhóm “B trọc. “5 năm tiếp theo đó chúng tôi gọi là “ngày Bắc đêm Nam”, ban ngày luyện tập chiến đấu, sản xuất mà đêm về nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ em quay quắt. Sau đó có lệnh đi B, ai cũng xin được về miền Nam chiến đấu. Tôi nhớ lúc đó tinh thần y như câu hát “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Bước chân trên dãy Trường Sơn - Vũ Trọng Hối)”, ông Tổng bồi hồi nhớ lại.

Gần 15 năm sau đó, ông Tổng trở về chiến trường miền Nam 3 lần, mỗi lần tham gia chiến đấu được vài năm, bị thương nặng, phải trở ra. Hồi phục, ông lại xin đi tiếp, vào Tiểu đoàn 30 đặc công dã chiến ở Quân khu 5, chiến đấu ở ba chiến trường Đăk Lăk, Phú Yên và Khánh Hòa. Năm 1967, khi đang tham gia lớp học ở Trường Quân chính Quân khu 5, ông được về thăm nhà. Đứa em trai đã thoát ly lên núi, em gái vào Sài Gòn. Hồi đó vùng đất Gò Nổi bị đánh phá ác liệt, những làng mạc bị cày trắng, đúng với câu “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Năm 1970, mẹ ông vào Sài Gòn. Tháng 8-1975, khi đang công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, ông Tổng đi thẳng từ Hà Nội vào Sài Gòn thăm mẹ. Ai ngờ đó là lần cuối ông được gặp mẹ. Tháng 12 năm đó, bà mất.

Trong đôi mắt của người đàn ông vừa chớm 90 tuổi ấy nhiều lúc ngấn lệ khi nhắc đến chuyện ngày xưa. Mấy năm nay sức khỏe ông yếu nhiều, nhưng ký ức về một thời sôi nổi vẫn hiện rõ không phai. Ông nói, sau 1954 miền Bắc nghèo khổ lắm, nhiều nơi dân còn thiếu ăn, nhưng quân, lương cho bộ đội, cho miền Nam thì không thiếu. Từ đồng bằng đến vùng trung du, miền núi, cái gì tốt nhất của bà con đều dành cho đồng bào, bộ đội miền Nam.

Ông Dương Thanh Tùng (bên trái) trong một lần đi công tác ở Nambak (Lào) tháng 2-1968. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Dương Thanh Tùng (bên trái) trong một lần đi công tác ở Nambak (Lào) tháng 2-1968. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Tuổi xuân gắn liền với miền Bắc

Tháng 4-1949, ông Hồ Hữu Cước (1927, quê phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) nhập ngũ vào Trung đoàn 968. Tháng 10-1954, ông được lệnh tập kết ra Bắc. Tàu trực hướng Hải Phòng lên đường, đang đi thì gặp bão to, kéo dài 3 ngày. Ra đến nơi, các ông được về Hải Dương 1 tuần nghỉ ngơi. Theo chủ trương của Đảng, bộ đội có nhiệm vụ phát triển kinh tế ở miền Bắc, đơn vị của ông Cước đi Vĩnh Phúc, Yên Bái phát triển các nông trường cà phê. Trong thời gian đó, năm 1958, ông Cước nhận lệnh đi xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải gần một năm. Mười năm sau, từ nông trường cà phê ở Yên Bái, ông vào chiến trường. Nông trường cử 40 người đi, 5 năm sau chỉ còn mình ông quay về. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đưa vợ con về quê, làm Bí thư xã Hòa Khánh rồi về hưu. 

Cũng lên tàu tập kết khi mới 18 tuổi, nhưng ông Dương Thanh Tùng, nguyên Chính ủy Quân y Viện 17 (Bệnh viện 17) có người cậu ruột lúc đó làm chủ tịch một xã ở Tam Kỳ cùng đi trên chuyến tàu ra Bắc tháng 11-1954 nên ông đỡ nhớ nhà. Tàu cập Cửa Hội, Thanh Hóa đúng vào đợt rét, bà con Thanh Hóa đùm bọc, nhường vị trí tốt nhất trong nhà, những ổ rơm ấm nhất cho người miền Nam. Khoảng một tuần sau, đơn vị ông Tùng hành quân từ Thanh Hóa ra Giao Thủy, Nam Định làm công tác dân vận, chống di cư.

Qua mùa hè năm 1955, ông được cử đi học hai năm ở trường Chính trị quân đội, rồi được biên chế về Quân khu Tây Bắc ở Sơn La. Ông được giao làm trợ lý thanh niên, phụ trách chiến trường Lào. Năm 1962, khi tuyến đường Trường Sơn có thể vận tải cơ giới, ông làm trợ lý tiểu đoàn vận tải, chuyển gạo từ Điện Biên sang Phongsaly để bộ đội đưa vào miền Nam qua đường Tây Trường Sơn và tham gia 5 chiến dịch ở cánh đồng Chum - Xiengkhuang.

Khi đang chuẩn bị cho chiến dịch đánh Luang Prabang thì tháng 1-1973, ông nhận lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Ông Tùng bảo, đây là giai đoạn các bên đang đàm phán về Hiệp định Paris, nên ông khao khát được quay về chiến trường miền Nam. Nhưng về đến Hà Nội, ông được tham gia lớp học về nội dung của hiệp định. Ngày 15 tháng Giêng, ông được biên chế vào đoàn giám sát quốc tế nội dung hiệp định, được máy bay đưa vào Kon Tum. Đến cuối 1974, các tổ giám sát quân sự rút dần, ông Tùng về nhận nhiệm vụ mới ở Cục Hậu cần, Quân khu 5.

Giải phóng xong, tháng 10-1975, ông Tùng về Núi Thành thăm mẹ, ông là con thứ 7 trong gia đình 9 anh chị em. Năm 1977, ông về Sơn La đưa vợ con vào Đà Nẵng. Hai năm sau, Quân khu 5 điều ông đi chiến trường Campuchia. Ông tham gia đoàn tấn công giải phóng Kratie, một tỉnh phía đông Campuchia và đóng quân ở đó đến năm 1984 về Quân y Viện 17. Nối nghiệp cha, ông, ông Tùng có 2 con trai và 4 cháu nội, ngoại là bộ đội; con rể và cháu rể công tác trong ngành công an.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.