70 năm tập kết ra Bắc - những năm tháng không quên

Bài cuối: Học sinh miền Nam - một thời và mãi mãi

.

Trong những chuyến tàu ra Bắc cách đây 70 năm, bên cạnh lực lượng cán bộ, quân đội, có rất đông thanh thiếu niên đủ các lứa tuổi theo chân cha mẹ hoặc một mình rời quê hương ra Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Họ trở thành những “hạt giống đỏ” có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng đất nước sau này.

Gặp mặt kỷ niệm 50 năm ra trường của cựu học sinh khối lớp 10, Trường Học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh) tại Đà Nẵng. Ảnh NVCC
Gặp mặt kỷ niệm 50 năm ra trường của cựu học sinh khối lớp 10, Trường Học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh) tại Đà Nẵng. Ảnh NVCC

Nhân dân miền Bắc đã chắt chiu nuôi dạy những người con miền Nam với khẩu hiệu “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì miền Nam thân yêu”. Những đứa trẻ ngày nào còn bịn rịn chia tay ba má nay ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Mảng ký ức về một giai đoạn lịch sử dường như vẫn còn trong tâm trí bao người.

Nỗ lực học tập và trưởng thành

Ông Trần Hữu Mạnh, nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, chỉ cho tôi xem vết sẹo sâu, dài từ trước qua gần nửa đỉnh đầu, dưới lớp da ấy còn một miếng nilon như cái màng phim, bác sĩ dùng để che hộp sọ khi ông bị thương ở đầu năm 1968, trong điều kiện cứu thương ở chiến trường. Gần 60 năm qua, miếng nilon và một mảnh đạn trong chân “chung sống hòa bình” với người chiến sĩ quả cảm, khai thêm 2 tuổi để đủ 17 tuổi “méo”, trúng tân binh đợt 2 tháng 6-1966. Hồi đó ông Mạnh tham gia chiến trường được gần năm thì bị điều về, sung vào đoàn bảo vệ cán bộ C113 Quảng Đà (sau đổi thành Bộ Tư lệnh Mặt trận 4). Năm 1968 ông bị thương lần 2, lần này gãy tay và vỡ hộp sọ, tổ chức liền viết giấy giới thiệu ghi ông đi gặp “Anh Cả”, tức là ra Hà Nội học tập.

Ông được giao liên dẫn đi. 4 tháng ròng rã trên đường Trường Sơn, vết thương vẫn chưa lành. Đêm ông ngủ ở các trạm giao liên, buổi sáng ngủ dậy thì được phát vài vắt cơm ăn trên đường đi. Không có muối, các cô chú đốt cỏ tranh lọc lấy nước hòa vào cơm cho có vị mặn. Gặp đoàn cán bộ trở ra thì đi ghép với họ. Tháng 2-1969 ra đến Hà Nội, ông Mạnh được gửi đến điều dưỡng ở Bệnh viện E, rồi về Trung tâm đào tạo cán bộ miền Nam học bổ túc văn hóa. Được một thời gian, ông được phân về Trường cán bộ Tự Hồ, Hưng Yên.

Ở đây một năm học 3 lớp, nên ông xin về Trường Học sinh miền Nam ở Đông Triều, Quảng Ninh, học lại lớp 5. Năm 1974 ông Mạnh thi đậu điểm cao vào khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, được chọn đi đào tạo kỹ sư xây dựng ở Kiev. Trong thời gian một năm chờ học tiếng Nga, ông là một trong những con em học sinh miền Nam ưu tú được chọn thi công Lăng Bác Hồ. Năm 1982 về Đà Nẵng, ông đảm nhận nhiều chức vụ, là người đặt nền móng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật cho Khu công nghiệp Đà Nẵng vào năm 1993.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, tham gia du kích xã Hòa Hải khi 14, 15 tuổi, năm ông 16 tuổi được tổ chức đưa lên chiến khu là Ủy ban tỉnh Quảng Đà. Cuối năm 1969 ông được lệnh ra Bắc học tập. “Ba tôi tập kết ra Bắc năm 1955, năm 1964 ông vào lại miền Nam, làm việc ở Ủy ban tỉnh Quảng Đà, vì thế ông mới gọi tôi lên chiến khu, chị gái cũng đã lên trước đó. Em trai nhỏ hơn tôi 3 tuổi, năm 1973 mới lên rừng, còn mỗi bà mẹ ở quê làm cơ sở cho cách mạng”, ông Thắng mở đầu dòng hồi ức. Hồi đó một số học sinh có cha mẹ, bà con từ miền Nam ra công tác hoặc an dưỡng, ông đi theo các bạn về Hà Nội hoặc các tỉnh thăm họ trong những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày.

Năm 1975 ông Thắng thi đại học đạt điểm cao nên được cử đi học tại Trường Đại học Quốc gia Rostock, Cộng hòa Dân chủ Đức, ngành thủy lợi. Năm 1982 học xong, ông được phân công về Viện Nghiên cứu thủy lợi ở Hà Nội, nhưng ông xin về quê, làm ở Ty Thủy lợi, sau này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đến ngày về hưu. Ông được xem là chuyên gia của ngành thủy lợi, đóng góp nhiều thành tích cho địa phương. Ông bảo, hồi đó học sinh nhận được nhiều ưu tiên, từ áo quần, ăn ở đến điều kiện học hành. Các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung. Sau này nhiều người là cán bộ lãnh đạo giỏi, đặt nền móng phát triển cho địa phương.

Vượt lên khó khăn bằng 4 chữ: học sinh miền Nam

"Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc dành cho miền Nam trong những ngày gian khó” - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

“Năm 1954 ba tôi tập kết ra Bắc, năm 1963 ông trở lại miền Nam, là ủy viên Nông hội Khu 5 nên năm 1964, tôi mới 12 tuổi, ông nhờ đường dây liên lạc đưa tôi lên núi”, ông Diệp Thanh Phong, Trưởng Văn phòng Công chứng Sông Hàn, mở đầu câu chuyện về ba, về gia đình. Lần tìm về ký ức, nhiều lần ông nghẹn lại khi nhắc nhớ đến người thân. Ông Phong ở rừng được 4 năm thì tổ chức đưa ra Bắc năm 1968. Trước khi đi, ba ông bảo “con đi trước đi, ra nói với các cô, chú là con đi học, ít bữa ba sắp xếp công việc rồi ra sau”. Trên đường rừng Trà My hồi đó, ông Phong nhập với đoàn 5-6 anh em, có giao liên dẫn đi, ba ông đi phía sau tiễn con. Mỗi lần ông quay nhìn lại là thấy ba đưa tay vẫy, chừng hơn 2 cây số như vậy.

Ông đi được vài năm thì người em trai duy nhất tham gia du kích ở Hội An hy sinh. Mỗi lần có ai từ Khu 5 ra, ba đều nhắn ông yên tâm học hành, ba sắp đưa em ra. Vậy mà có một chú ra gặp ông, nói “thằng em mi hy sinh rồi”, ông khóc ngất. Sau mới hiểu là ba không biết chú ấy ra, nên chẳng dặn trước. Trong những năm ông Phong học ở Đông Triều, Quảng Ninh, mẹ ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ liên lạc từ Hội An lên Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, còn ba hy sinh năm 1973 tại Phù Mỹ, Bình Định. Khi nhận được tin ba hy sinh, ông Phong tưởng mình đứng không vững khi còn lại một mình trên đời. Thầy giáo đưa ông lên ở cùng phòng với thầy một thời gian, thầy trò động viên nhau. Ông bảo: “Xác định ra học ở miền Bắc là xa gia đình, phải tập trung cho việc học. Bởi vậy đa số học sinh miền Nam ý thức về sự hy sinh của gia đình nên gắng học giỏi, sau này ai cũng làm được việc”.

Năm học lớp 8, ông Phong là một trong số 20/1.000 học sinh của trường miền Nam số 1 được Bộ Công an chọn về học ở Trường An ninh miền Nam ở Vĩnh Phú, học tiếp lớp 9, 10 để đưa về miền Nam trước năm 1975. Đến năm 1975, Bộ Công an quyết định cho các ông học tiếp. Ông Phong thi vào Đại học An ninh. Năm 1980 ra trường, ông được phân về làm Hiệu phó Trường Nghiệp vụ Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và giữ nhiều chức vụ khác. Trong những năm đó, ông học tiếp bằng hai ngành luật. Năm 1993, ông được điều về làm Trưởng phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi làm Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam. Ông mở văn phòng công chứng tư nhân đến nay được hơn 10 năm.

Ông Phong là Trưởng ban liên lạc học sinh miền Nam Quảng Nam - Đà Nẵng. Riêng hai địa phương có gần 1.000 học sinh được đào tạo trên 28 trường ở khắp các tỉnh miền Bắc từ năm 1954 đến 1975. Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, có gần 700 cựu học sinh Quảng Nam - Đà Nẵng và 110 thầy cô từng dạy ở các trường miền Nam tham dự buổi gặp mặt tại Hà Nội và Thanh Hóa. Về với miền Bắc, các ông bà tự đóng góp tiền làm nhà trẻ, làm đường, trang bị máy tính cho học sinh một số địa phương. Ông Phong nói rằng đây có lẽ là lần cuối một cuộc gặp khá đầy đủ và ân tình được tổ chức, khi các ông, bà đều trên 70 tuổi. Sau này chỉ có thể gặp ở quy mô nhỏ như lớp, địa phương. Cũng may là anh em ở Đà Nẵng đều có cuộc sống ổn định, có vài người sống ở quê khó khăn nên có ai đau ốm, các ông bà góp tiền giúp đỡ.

Chủ trương đào tạo cán bộ cho miền Nam được xem là tầm nhìn chiến lược vĩ đại của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Hành trình tập kết ra Bắc dù bằng con đường nào, thời điểm nào cũng thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của cán bộ và nhân dân miền Nam đối với Trung ương Đảng, Bác Hồ và bà con miền Bắc. Hành trình ấy thôi thúc cả dân tộc đoàn kết vượt qua mọi gian khó hiểm nguy để đến ngày thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Từ 1954-1975, 28 trường học sinh miền Nam đã được thành lập ở Hà Nội và các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ), sang cả Khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (Trung Quốc) và Cộng hòa Dân chủ Đức. Có hơn 5.000 giáo viên được huy động đào tạo cho hơn 32.000 học sinh miền Nam. (Nguồn: ThS Vũ Thị Kim Yến - Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.