ĐNO - Trên cơ sở các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và từ thực tiễn của thành phố, Đà Nẵng xác định phòng, chống lãng phí phải thực hiện một cách toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực công và tư.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, Trưởng ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh khi phát biểu tham luận tại hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 do Ban Nội chính Trung ương tổ chức chiều 31-12.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì điểm cầu Hà Nội. Dự điểm cầu Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chống lãng phí là một đòi hỏi khách quan và là yêu cầu mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay. Đây chính là yêu cầu thay đổi về tư duy, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thờ ơ, vô cảm trong giải quyết công việc, là động lực cho khơi dậy và thu hút các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển, là một trong những cơ sở, điều kiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước trên 2 con số.
Chính vì vậy, kết luận tại cuộc họp vào ngày 30-10-2024 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu “phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Từ thực trạng trên và trước yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư đã nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm cần được tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc để quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và từ thực tiễn của thành phố, Đà Nẵng xác định phòng, chống lãng phí phải thực hiện một cách toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực công và tư.
Trước mắt, thành phố quyết liệt, quyết tâm triển khai có hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các bản án, kết luận thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đồng thời, thành phố tiếp tục rà soát, báo cáo đề xuất để giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài tương tự theo tinh thần của Kết luận số 77-KL/TW; đặc biệt, chủ động rà soát để chuẩn bị báo cáo Ban Nội chính Trung ương về xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án đất đai trước thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2013 (các dự án này vướng mắc cả về thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng...).
Thực hiện các giải pháp khắc phục các dạng thức lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, thành phố xác định chủ đề của năm 2025, trong đó trọng tâm là tinh gọn bộ máy đi đôi với cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết công việc của cán bộ, công chức và làm phát sinh chi phí của người dân, doanh nghiệp, làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để làm được việc này, ngoài trách nhiệm của địa phương thì cần có sự đồng bộ từ Trung ương, đó là tiếp tục rà soát, sửa đổi theo hướng giảm lược các trình tự, thủ tục và phân cấp, phân quyền triệt để về địa phương theo đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Theo Bí thư Thành ủy, qua sơ kết 1 năm thực hiện chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhận thấy đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu ngân sách của thành phố năm 2024, nhất là việc khơi thông các nguồn lực, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.
Từ kinh nghiệm của việc ban hành và thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải chủ động, quyết liệt và mạnh dạn trong việc tháo gỡ, giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài ở địa phương mình và báo cáo đề xuất giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Trung ương chỉ đạo để Chính phủ, Quốc hội giải quyết các vấn đề tồn tại trên phạm vi cả nước, chứ không dừng ở một số địa phương.
Đặc biệt, đề nghị Ban Nội chính Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng Đề án Quan điểm, chủ trương xử lý các sai phạm có liên quan đến đất đai trước khi Luật đất đai năm 2023 có hiệu lực. Đây là đề án nếu được triển khai trong thực tiễn sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn ở các địa phương.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho chủ trương để Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 theo tinh thần chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để làm cơ sở pháp lý triển khai các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác chống lãng phí hiện nay, vì nhiều quy định về chống lãng phí hiện không còn phù hợp.
NGỌC PHÚ