Phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; nhiều giải pháp triển khai thực hiện phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lãng phí vẫn còn một số hạn chế.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh, thành viên Bộ phận Thường trực của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy Phòng An ninh điều tra, Công an thành phố.Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh, thành viên Bộ phận Thường trực của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy Phòng An ninh điều tra, Công an thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tại kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xác định mục tiêu: “Phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống lãng phí đi vào thực chất, các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước; nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, điều hành ngân sách phải có dự toán từ đầu năm nhằm hạn chế việc phát sinh ngân sách và sử dụng ngân sách không đúng mục đích; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, cắt giảm các nội dung chi không thực sự cần thiết, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng.

Hai là, xử lý dứt điểm các hạn chế theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua.

Ba là, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” và nghị quyết của Quốc hội về thực hiện đề án nêu trên, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Bốn là, tăng cường quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản đúng quy định. Sớm có phương án xác định đơn giá tính tiền thuê đất đối với đất ven biển làm dự án nghỉ dưỡng cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế sử dụng đất của các doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Năm là, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo quy định để làm căn cứ cho việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức, thời gian làm việc hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết hồ sơ toàn trình (mức 4), đặc biệt các lĩnh vực liên quan thường xuyên và thiết yếu đến đời sống của người dân và doanh nghiệp theo hướng đơn giản và thuận tiện.

Bảy là, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tám là, sau khi sắp xếp các phường, cũng như các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải có phương án quản lý, khai thác, sử dụng tài sản đất đai, nhà công sản dôi dư sau khi sáp nhập.

Chín là, sắp xếp các tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức, bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Thực hiện sắp xếp lại cán bộ ở cơ sở, tính toán lại quy mô các tổ dân phố để có phương án bố trí cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại thành phố.

​​​​​​​Mười là, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm; nâng cao chất lượng, tiến độ triển khai các công trình dự án đầu tư công. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí thất thoát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 112/CĐ-TTg ngày 6-11-2024. Phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình, dự án đầu tư công đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

VÕ CÔNG CHÁNH
Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng ban Nội chính Thành ủy

;
;
.
.
.
.
.