Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, là người con của làng Hà Quảng, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng) Nam. Mảnh đất biển một bên, sông một bên, quanh năm rì rào sóng gió đã thổi vào tâm hồn ông tình yêu quê hương, đất nước sắt son, nâng bước ông đi suốt cuộc đời binh nghiệp. Từ người lính, ông trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, từ con một người đánh cá nghèo trở thành vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng (thứ tư, bên trái sang) cùng với các tướng lĩnh Quân khu 5. |
Thiếu tướng Trần Minh Hùng xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước và trải qua một tuổi thơ sôi động. Tinh thần bất khuất có trong huyết quản của cụ tổ từng tham gia nghĩa hội Cần Vương bị giặc Pháp hành hình tiếp tục chảy trong ông. Nhà làm biển, quanh năm túng thiếu nhưng vừa tròn 13 tuổi, cậu bé Trần Minh Hùng đã hăm hở theo các anh chị rải truyền đơn, làm giao liên, tham gia biểu tình, ném lựu đạn vào đội hình địch, rồi được làm thành viên nhỏ nhất của Đội công tác Đ64.
15 tuổi, đánh trận đầu tiên trong đội hình R20 Quảng Đà, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay khi còn rất trẻ. 22 tuổi đã là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 anh hùng, một trong những đơn vị chủ lực góp phần giữ vững Thành cổ Quảng Trị lịch sử, rồi tiếp tục tiến lên mặt trận Tây Nguyên. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông có mặt trong đội hình Trung đoàn 95 bảo vệ biên giới Tây Nam, tham gia giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307, Sư đoàn 2, Tham mưu phó Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân huấn - Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân khu 5.
Dù ở cương vị nào, ở ông luôn có tố chất một người chỉ huy mạnh mẽ, táo bạo, xung kích lập nhiều chiến công. Dồn hết tâm huyết vào nhiệm vụ, những mảng công tác quân sự ông đảm nhiệm bao giờ cũng được thực hiện sâu sát, quyết liệt. Bàn chân ông luôn đồng hành cùng người lính trên thao trường huấn luyện, bão lụt, về biên giới, hải đảo xa xôi, để lại sự kính trọng sâu sắc về tấm gương người cán bộ miệng nói tay làm, hết mực thương yêu chiến sĩ.
Tháng 3-2010, Thiếu tướng Trần Minh Hùng nghỉ hưu sau gần 50 năm trong quân ngũ. Về với đời thường, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong ông luôn tỏa sáng với lối sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với bà con, đồng đội, nhiệt tình, gương mẫu trong mọi công việc xã hội từ khu phố đến phường, quận, thành phố, đặc biệt là các hoạt động của cựu chiến binh.
Tại phường Thạch Thang (quận Hải Châu) nơi ông cư trú, ông trao đổi với cấp ủy chi bộ và chi hội cựu chiến binh, đến từng nhà dân, cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn rà soát, nắm tình hình từng ngõ phố, kiệt hẻm để xây dựng “Kế hoạch bảo vệ an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu dân cư” như một “kế hoạch chiến đấu” rất chi tiết, cụ thể, xin phép thành lập tổ dân phòng thường trực, vận động bà con, đảng viên, hội viên và bản thân ông cùng đóng góp kinh phí để may sắm áo quần, trang bị công cụ hỗ trợ, bồi dưỡng trực đêm. Nhờ đó, hoạt động của tổ dân phòng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự hết sức hiệu quả, được cán bộ, nhân dân khu phố và lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Ông Vương Văn Mười, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết: “Trong hoạt động chi hội cựu chiến binh, Thiếu tướng Trần Minh Hùng thật sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Ông luôn đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng, bảo vệ Đảng, phản biện khi có “điểm nóng”, thẳng thắn “bóc trần” những sai phạm... được dư luận quan tâm và đánh giá cao”.
Thế hệ trẻ quận Hải Châu thường xuyên được nghe ông nói chuyện, bồi đắp về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước và ý chí hy sinh vì Tổ quốc. Ông tự nguyện đóng giúp đảng phí cho hội viên khó khăn, quan tâm giúp đỡ đồng đội cùng chiến đấu năm xưa làm giấy tờ thương tật; dành những đồng lương hưu nuôi heo đất tặng người nghèo; tự bỏ tiền mua cờ Tổ quốc cùng kích thước phát đến từng nhà trong khu phố; sắm bình chữa cháy, thang chữa cháy để khi cần bà con láng giềng sử dụng. Ông trích tiền thương binh nhờ báo Tuổi trẻ ủng hộ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, nhờ Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân chuyển 150 đầu sách gồm hồi ký, thơ của ông cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa.
Với quê hương Quảng Nam thân yêu, ông dành hàng chục triệu đồng mua mì ăn liền, quần áo, sách vở ủng hộ cho đồng bào và thầy cô, học sinh các huyện Quế Sơn, thị xã Điện Bàn bị thiệt hại do bão lụt, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình nghèo, neo đơn; đóng góp xây dựng các công trình nhà văn hoá thôn, đình làng, các quỹ khuyến học ở quê nhà Điện Dương. Ông tự ủng hộ và vận động đồng đội được 61 triệu đồng sữa chữa ngôi nhà cho mẹ Trần Thị Thứ, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Toán là đồng đội cũ ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).
Những năm qua, ông đã tiết kiệm chi tiêu ủng hộ hơn 300 triệu đồng cho việc nghĩa tình với bà con, đồng đội. Ông còn say sưa sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm thơ ca, hồi ký về cuộc đời binh nghiệp hào hùng, là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước noi theo.
Vị tướng lẫy lừng trận mạc một thời nay về với đời thường luôn khiêm nhường, nhân hậu, sẵn sàng cống hiến tâm trí, sức lực cho đất nước và nhân dân. Ông luôn tâm niệm: “Tôi suy nghĩ việc tri ân phải làm cả cuộc đời, từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau cũng chưa bù đắp hết sự hy sinh to lớn của cha ông đi trước”. Ghi nhận những đóng góp của Thiếu tướng Trần Minh Hùng, các cấp chính quyền từ Trung ương đến thành phố tặng ông nhiều phần thưởng, bằng khen, giấy khen.
HỒNG VÂN