Xây dựng con người Đà Nẵng có bản sắc riêng, năng động hội nhập quốc tế

.

Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nền tảng, động lực vững chắc tạo ra các đột phá để thành phố phát triển nhanh, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Thành phố cần phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, tăng cường đầu tư cho văn hóa, con người Đà Nẵng, kiến tạo thực lực văn hóa mạnh và bền vững.

Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới được quan tâm đầu tư, dự kiến khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thành phố.
Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới được quan tâm đầu tư, dự kiến khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thành phố.

Quan tâm phát triển con người Đà Nẵng

Theo Kết luận số 79-KL/TW, thành phố cần xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng. Riêng trong lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, từ những chủ trương lớn đầy tính nhân văn của thành phố, các ngành, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức và tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân như: chấp hành trật tự giao thông, ý thức bảo vệ tài sản công, bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa văn minh nơi công sở, trong cộng đồng.

Anh Lê Ngọc Tuấn, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, ai cũng thấy rõ sự chuyển mình của thành phố, từ diện mạo, phát triển kinh tế, lối sống người dân. Trong đó, một điều rất đáng tự hào là người dân Đà Nẵng luôn phấn đấu xây dựng lối sống văn hóa, văn minh đô thị bằng nhiều việc làm cụ thể. Chúng ta đã hình thành, gầy dựng được hình ảnh thành phố văn minh, nghĩa tình, con người thân thiện, chân thành, mến khách thì phải tiếp tục phát huy, bồi dưỡng được những phẩm chất, giá trị đó, đặc biệt trong môi trường học đường. Bởi học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước, là hạt nhân phát triển thành phố sau này”.

Chung quan điểm, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng cho rằng, để có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa, không thể không bắt đầu sớm từ trường học. Muốn nhà trường làm tốt sứ mệnh này, ngành giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đầu tư thực sự ngang tầm quốc sách hàng đầu, trước hết là đào tạo nhà giáo, mỗi ngày đứng trên bục giảng đều có thể trở thành tấm gương sáng về văn hóa cho học sinh noi theo và qua đó góp phần gầy dựng văn hóa học đường. Đà Nẵng là thành phố du lịch, du khách đến từ nhiều nơi khác nhau, nhất là khách nước ngoài. Từ đó dẫn đến sự đa dạng về văn hóa, đòi hỏi các thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa phải biết khoan dung về văn hóa - sẵn sàng chấp nhận thậm chí tôn trọng cái khác mình, không kỳ thị với những khác biệt về văn hóa.

“Những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa không chỉ để ứng xử với khách mà chủ yếu là để ứng xử với nhau. Chẳng hạn ứng xử với khách, đòi hỏi người Đà Nẵng cần có lòng thương người, còn ứng xử với nhau, đòi hỏi lòng thương người của người Đà Nẵng phải được nâng lên thành lòng trắc ẩn”, ông Tiếng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Công Minh, cán bộ hưu trí, cho rằng văn hóa văn minh đô thị, văn hóa con người Đà Nẵng là một sức mạnh nội sinh cần đặc biệt coi trọng và phát huy trong bối cảnh phát triển mới của thành phố hiện nay. Điều này đòi hỏi thành phố cần tập trung xây dựng cộng đồng dân cư có tư tưởng, đạo đức, lối sống chuẩn mực, phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống và phong cách giao lưu rộng mở trên phạm vi quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, trên địa bàn phải có những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong kinh doanh những sản phẩm đặc thù về văn hóa, có khả năng quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa của địa phương ra cả nước và quốc tế. Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế thu hút, bồi dưỡng được đội ngũ nhân tài văn hóa và động viên văn nghệ sĩ sáng tạo được những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, có tiếng vang không chỉ trong phạm vi thành phố, mà được lan tỏa, đón nhận ở trong nước và khu vực.

Khu dân cư tại phường Tân Chính (quận Thanh Khê) ký kết thực hiện mô hình kiệt “Văn minh - an toàn - sạch đẹp”. Ảnh: XUÂN DŨNG
Khu dân cư tại phường Tân Chính (quận Thanh Khê) ký kết thực hiện mô hình kiệt “Văn minh - an toàn - sạch đẹp”. Ảnh: XUÂN DŨNG

Đầu tư cho văn hóa ngang tầm kinh tế

Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố xác định, đầu tư phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng “thành phố đáng sống”.

Để cụ thể hóa chủ trương này, nhiều đề án, kế hoạch, chương trình phát triển ngành được ban hành, tiêu biểu như: đề án Phát triển thiết chế văn hóa đến năm 2025; đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; đề án Phát triển hệ thống thư viện công cộng giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Đặc biệt, nhiều công trình văn hóa quan trọng được thành phố đầu tư xây dựng như: dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan; triển khai đầu tư dự án Bảo tàng Chăm (cơ sở 2) tại Phong Lệ…

Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quan tâm, bố trí kinh phí với quy mô ngày càng lớn. Trong giai đoạn 2021-2024, ngân sách thành phố đầu tư hơn 162,65 tỷ đồng để trùng tu 30 di tích xếp hạng. Qua đó, tạo điều kiện cho sự phát triển của các hoạt động văn hóa ở cơ sở, cũng như đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu văn hóa ngày càng nâng cao. Vì vậy, phải tiếp tục tăng cường việc đầu tư cho văn hóa thì Đà Nẵng mới phát triển bền vững và tạo ra sức hút với du khách. Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao của thành phố thời gian qua được quan tâm, thực hiện khá bài bản, đáp ứng nhu cầu người dân.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác để thực hiện hiệu quả Kết luận số 79-KL/TW đó là tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong việc xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện và lễ hội hàng đầu của châu Á, điển hình duy trì tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế, giải thể thao IRONMAN, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng. Đây đều là những hoạt động cần nguồn kinh phí rất lớn, vì vậy, Đà Nẵng cần đẩy mạnh xã hội hóa để tổ chức các sự kiện, lễ hội ngày càng phong phú, chất lượng. Mặt khác, thành phố cần rà soát các danh hiệu thi đua trong lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, giảm tính hình thức, đưa các phong trào ngày càng đi vào thực chất, tác động sâu sắc đến lối sống của người dân.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, những nỗ lực trong tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị nói riêng thời gian qua góp phần phát triển đồng thời văn hóa và con người Đà Nẵng.

Trong hành trình đó, văn hóa vừa giữ những giá trị truyền thống, vừa tiếp cận đến các giá trị văn hóa mới, vừa xây dựng một bản sắc riêng có của con người Đà Nẵng. Người dân đồng thuận cùng chính quyền triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách đầy nhân văn và giữ vững lối sống, nếp sống Đà Nẵng. Kết quả đạt được là sự hiện diện của văn hóa và lối sống Đà Nẵng trở thành điểm sáng nổi bật trong hành trình phát triển của thành phố.

Ngành văn hóa sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy những kết quả đạt được. Đồng thời, tích cực tham mưu UBND thành phố cụ thể hóa những chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Kết luận số 79-KL/TW, hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.